Wednesday, February 10, 2010

Chương 4 Cái Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh

Trong cuộc chiến tranh của Đảng Cộng Sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đánh Dân Tộc, cuộc chiến thường được gọi là cuộc tranh chấp Quốc Cộng, thì phe Quốc Gia Dân Tộc chịu thiệt thòi vô cùng phải ở thế hạ phong dẫn đến thất bại ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một trong những nguyên nhân là vì trong hàng ngủ Quốc Gia Dân Tộc có quá nhiều kẻ ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản, những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những kẻ nằm vùng theo những sách lược địch vận của Cộng Sản như: trí vận, tôn giáo vận, văn hóa vận, sinh viên vận, học sinh vận, phụ nữ vận, binh vận… nhiều vô số không thể nào kể hết, và sau ngày 30-4-1975 lại có thêm kiều vận nữa. Nào là Bà Ngô Bá Thành hợp cùng ni sư Huỳnh Liên với Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống xuống đường gây rối, nào là Phong Trào Phản Chiến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cứ chĩa mũi dùi về phía Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trong khi Bộ Đội Cộng Sản hung hăng đòi tiêu diệt hết các nước Tư Bản Chủ Nghĩa để tiến tới Thế Giới Đại Đồng thì lại được nhạc sĩ binh vực! Lại còn thêm những trí thức ưu tú của miền Nam, tự nhận là Thành Phần Thứ Ba đứng trung lập, nhưng lại do Cộng Sản giật dây điều khiển .
Chuyện Giáo Sư Châu Tâm Luân
Có một trường hợp bây giờ thuật lại nghe giống như chuyện tiếu lâm. Đó là chuyện giáo sư tiến sĩ Châu Tâm Luân. Ông được học bổng đi Mỹ học và đậu bằng Tiến sĩ kinh tế nông nghiệp. Khi về nước, ông dạy ở các trường Nông Lâm Súc. Trên bục giảng Đại học trước các sinh viên, ông thường phê bình: “Chế độ Sài Gòn như một cái áo rách nát đến nổi không còn có thể vá, cách duy nhất là xé bỏ và may một chiếc áo mới”.
Rồi lời ước muốn của ông hóa thành sự thật. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài Gòn thất thủ, Việt Cộng chiến thắng, giáo sư Luân được sống với Việt Cộng, nhưng ông lại không muốn cái áo mới màu đỏ của Việt Cộng nên bỏ trốn đi vượt biên! Có người hỏi tại sao ông không ở lại phục vụ mà lại vượt biên thì ông đáp: “Họ tàn ác lắm! Hở ra một chút là họ giết liền!” Ở miền Nam trước kia, có không biết bao nhiêu người như giáo sư Châu Tâm Luân, nhiều không thế nào kể xiết! Sau đây, xin mời bạn đọc chuyện văn sĩ nằm vùng Vũ Hạnh, một chuyện điển hình với đầy đủ chi tiết hơn.
Chuyện Ông Khai Trí Và Nhà Văn Vũ Hạnh
Vũ Hạnh là một cán bộ văn hóa vận của Việt Cộng nằm vùng ở Saigon thật lâu. Ông là một văn sĩ có tài. Tác phẩm Người Việt Cao Quý của ông xuất bản ở Saigon và được tái bản 3 lần sau đó. Có một giai thoại thật đẹp giữa văn sĩ Vũ Hạnh và nhà xuất bản Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân của nhà sách Khai Trí. Câu chuyện xảy ra vào khoảng cuối thập niên 60. Chuyện kể khi văn sĩ Vũ Hạnh mang bản thảo của mình đến thương lượng với nhà xuất bản Nguyễn Hùng Trương thì hai bên ưng thuận với giá 100 ngàn đồng (theo thời giá, số tiền ấy có thể mua được 5 hoặc 6 cây vàng). Nhưng đến ngày thanh toán tiền bản quyền, nhà văn nhận bao thơ, mở ra đếm thì thấy đến 120 ngàn. Nhà văn ngạc nhiên, bèn hỏi nhà xuất bản có nhầm lẫn không. Ông Nguyễn Hùng Trương, mà ai cũng gọi là ông Khai Trí, điềm nhiên trả lời:
“Không, tôi không trả lộn đâu. Trước kia, chúng ta ưng với giá 100 ngàn vì tôi chưa đọc bản thảo. Nhưng sau khi đọc xong, tôi thấy giá trị của nó đến 120 ngàn, cho nên tôi phải trả đúng theo giá trị của nó”.
Thưa quý độc giả, lúc đó chúng ta đang ở vào một thời điểm của Đệ Nhị Cộng Hòa với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khoảng cuối thập niên 1960. Ông Nguyễn Hùng Trương, tức là ông Khai Trí, vui lòng và tự ý trả thêm cho văn sĩ Vũ Hạnh 20 ngàn đồng cho xứng đáng với giá trị của tác phẩm, điều quá bất ngờ cho tác giả Vũ Hạnh. Hai mươi ngàn đồng từ trên trời rơi xuống?! Không phải! Từ trái tim và khối óc của một nhà xuất bản thành công, trong một nền kinh tế thị trường thành công, và trong một chế độ dân chủ khá ổn định! Mối giao hảo giữa nhà văn và nhà xuất bản mà đẹp đến thế thì ít có nơi nào trên thế giới sánh bằng! Chúng ta đã có một nền kinh tế thị trường khá hoàn hảo và nhất là chúng ta đã có một nhà xuất bản tuyệt vời biết quý trọng các nhà văn và nền văn học nghệ thuật. Với nền kinh tế thị trường về sách báo đẹp như vậy, tuy chế độ dân chủ của Việt Nam Cộng Hoà ở phương Nam còn non trẻ, nhưng chế độ đã cung cấp cho văn nghệ sĩ khá đầy đủ tự do và phương tiện để họ xứng đáng là Văn Nghệ Sĩ Chân Chính phục vụ nghệ thuật chứ không phải là Văn Nô Bồi Bút nịnh bợ Đảng để ăn lương như xã hội miền Bắc của Hồ Chí Minh.
Nhạc Sĩ Xuân Tiên Đem Yêu Thương Về Cho Phương Bắc
Vào thời gian đó, sau hơn 10 năm định cư ở miền Nam, một triệu đồng bào miền Bắc di cư đã ổn định cuộc sống và vững vàng với sự nghiệp đã được tạo dựng lại. Tình nghĩa đồng bào đậm đà thắm thiết trên mảnh đất lành của phương Nam được nhạc sĩ Xuân Tiên cảm đề với lời ca tuyệt vời trong bản Khúc Hát Ân Tình, bài nhạc mà ai ai cũng gọi bằng tên rất thân thương là bài Tình Bắc Duyên Nam. Lời ca đẹp và hiền hòa như tấm lòng Người Mẹ Chung Của Trăm Con với tình yêu thương bao la chan hòa cho tất cả:
Người từ (là từ) phương Bắc đã qua dòng sông (sông) dài
Tìm đến phương này, một nhà thân ái
Ôi! Tình Bắc duyên Nam (là duyên) tình chung muôn đời ta đắp xây
Gặp nàng (nàng) là thôn nữ mắt duyên cười say
môi hồng tình ngát đôi lòng mộng vàng chung bóng
Ôi! Mạch đất dâng hương (là hương) cần lao chung đời vai sát vai
Cùng góp bàn tay thương yêu nhau rồi
Ngô khoai hai mùa ngát một niềm vui (chung vui)
Cho thơm hương đời lúa vàng tình ơi
Ngày mai hạnh phúc nơi nơi reo cười
Quê hương thôi đau sầu ngăn sông cách núi
Ta đem yêu thương về cho phương Bắc
Ôi! Đời sống yên vui (là vui) Dìu nhau đi vào chung bóng mơ.
Lời Phát Biểu Huênh Hoang Của Lê Duẩn
Nói chung, người dân miền Nam lúc đó có cuộc sống sung túc, có bát ăn bát để, và được hưởng một nền tự do dân chủ khá cao so sánh với các nước Đông Nam Á. Nhưng than ôi! Hạnh phúc không được hưởng trọn vẹn vì chiến cuộc đang leo thang gây đổ nát tang tóc khắp nơi nơi và khắp mọi nhà. Cuộc chiến trong khoảng thời gian đó, giới truyền thông Tây phương thường gọi là cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai, là một cuộc chiến tranh không cần thiết, do Đảng Cộng Sản gây ra để nuốt trọn miền Nam sau khi đã chiếm miền Bắc, một cuộc chiến tranh mà Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã huênh hoang phát biểu (Trích Đêm Giữa Ban Ngày của tác giả Vũ Thư Hiên, trang 422):
“Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta!”
Dân Tộc hãy đọc thật kỹ lời phát biểu trên. Đúng là lời nói của kẻ đâm thuê giết mướn. Hiển nhiên là như vậy, vì đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, v. v… chứ nào có đánh cho Dân Tộc đâu? Rõ ràng Lê Duẩn đã nói thế kia mà! Trong một bài nói chuyện nội bộ, Lê Duẩn đã huênh hoang như vậy và Chế Lan Viên lấy hứng làm chủ đề cho bài thơ ca ngợi hòa bình: “Hỡi những con thỏ hòa bình. Đang tìm nơi gặm cỏ. Súng ta nổ cũng là vì ngươi đó...” Than ôi! Nhà thơ đòi nổ súng giết ai để bảo vệ hòa bình?!
Trong khi Lê Duẩn tự hào về việc đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc, thì Dương Thu Hương, người nữ đảng viên một thời đã hăng say trong chiến dịch Tiếng Hát Át Tiếng Bom bên cạnh các bộ đội tiền tuyến, đã Tỉnh Cơn Say Đảng và Tàn Giấc Mê Hồ, để ngộ rằng đó chỉ là cuộc bắn giết giữa anh em Nam Bắc một nhà. Người nữ sĩ, mắt đẫm lệ, ngồi ở lề đường của Sài Gòn vừa được mang tên mới là thành phố Hồ Chí Minh, đã ân hận nhận ra rằng “Cuộc Chiến Tranh Chống Mỹ Là Cuộc Chiến Tranh Ngu Xuẩn Nhất Trong Lịch Sử Dân Tộc”. Không ngu sao được nếu ta nhìn sang nước Phi Luật Tân láng giềng được độc lập ngày 4-7-1946. Đáng lý ra Phi Quốc phải được độc lập đúng một năm trước đó, tức là ngày 4-7-1945, theo tinh thần ước kết 10 năm trước giữa hai nước Mỹ và Phi.
Phi Quốc Được Độc Lập Đúng Ngay Ngày Quốc Khánh Của Hoa Kỳ
Nhắc lại lịch sử tranh thủ độc lập của Phi Luật Tân, trong quyển Giải Thể Chế Độ Cộng Sản, tác giả Luật sư Nguyễn Hữu Thống viết (trang 180):
“Đầu thập niên 1930, Luật Sư Quenzon, lãnh tụ Đảng Quốc Gia Phi Luật Tân đã tới Hoa Thịnh Đốn để vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành quy chế tự trị và độc lập cho Phi Luật Tân. Năm 1934, Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết thông qua Luật Tydings-McDuffie Act công nhận Phi Luật Tân là quốc gia tự trị (dominion) từ 1935. Trong đạo luật này có khoản quy định rằng, 10 năm sau, đúng ngày quốc khánh Hoa Kỳ (4 tháng 7 năm 1945), Phi Luật Tân sẽ được hoàn toàn độc lập.”
Tại sao Phi Quốc phải bị độc lập trễ một năm? Vì lẽ Phi còn bị quân đội Thiên Hoàng Phù Tang chiếm đóng cho nên Đại Tướng MacArthur phải điều động quân đội Mỹ đổ bộ lên đất Phi ở điểm Lingayen, một thành phố nhỏ phía Bắc Manila, để giải phóng toàn bộ nước Phi, và trong nội địa Phi, lực lượng Quốc Gia Phi còn phải thanh toán những ổ kháng cự lẻ tẻ của Nhật.
Và tại sao là ngày 4 tháng 7? Khi Hồ Chí Minh chôm chĩa lời hay ý đẹp trong bài Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ để viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập của mình - chỉ để lường gạt Dân Tộc Việt Nam - và tuyên đọc ở Quảng Trường Ba Đình ngày 2-9-1945, ông có biết rằng ngày 4 tháng 7 là ngày Quốc Khánh của Mỹ Quốc hay không? Hồ Chí Minh có biết rằng Mỹ Quốc trao trả Độc Lập cho Phi Quốc đúng vào ngày Quốc Khánh của mình vì một nghĩa cử cao đẹp muốn dân tộc Phi cũng được hạnh phúc mừng Độc Lập cùng một ngày với dân tộc Hoa Kỳ hay không? Hồ Chí Minh và Đảng có biết chăng Mỹ đã thực hiện một cuộc đổ bộ đầy đảm lược (mà cường độ về quân số tham chiến chỉ kém có cuộc đổ bộ ở miền Bắc nước Pháp) để đất nước Phi được hoàn toàn giải phóng trước khi trao trả lại cho dân tộc Phi? Nước Phi có diễm phúc như thế là vì Phi có Đảng Quốc Gia chứ không phải như Việt Nam có cái đảng ăn hại và dối trá mang đủ thứ tên như Đảng Cộng Sản Đông Dương, Hội Nghiên Cứu Mác Lê, Đảng Lao Động, có lúc lại giải tán đảng, rồi sau cùng khi chiếm đoạt hết cả nước mới tự nhận là Đảng Cộng Sản Việt Nam! Dân tộc Phi được may mắn là nhờ định hướng chính trị đúng của Luật sư Quenzon đã đến ngay Quốc Hội Hoa Kỳ để tranh thủ nền tự trị và độc lập cho nước mình. Trái lại, Dân Tộc Việt Nam thì quá bất hạnh vì Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian đó còn đang chăm lo học nghề làm Cộng Sản với Sư Phụ Stalin ở thủ đô Mạc Tư Khoa của Liên Xô!
Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản có biết chăng Phi nhận nền Độc Lập từ tay Mỹ mà không đổ một giọt máu, không tốn một nhân mạng? Nước Mỹ hành xử đẹp như thế đối với Phi thì Mỹ nào đâu có lòng tham, muốn xâm lăng chiếm cứ đất đai của ai, tại sao Hồ Chí Minh cứ tuyên truyền và phát động cuộc chiến tranh Chống Mỹ Cứu Nước sát hại và gây thương tật biết bao nhiêu triệu người cả Bắc lẫn Nam? Xử dụng đến cạn kiệt xương máu của dân tộc để dồn cho chiến trường miền Nam, riêng tỉnh Thanh Hóa đã động viên tới 450 ngàn bộ đội, nhiều xã không còn bóng dáng thanh niên. Lê Duẩn đã quyết tâm rằng nhân dân ta dù có mặc quần xà lỏn, đốt đuốc cũng đánh Mỹ tới cùng. Hồ Chí Minh trước khi chết cũng nhắn nhủ “các cháu của Bác” là dù có cháy cả dải Trường Sơn cũng phải chiến đấu đến cùng. Tội ác gây ra cuộc chiến tranh nầy, nếu không phải Hồ Chí Minh, thì ai chịu trách nhiệm?
Chuyện Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn
Trước khi viết về Trịnh Công Sơn, chúng ta nên biết qua về hai nhạc sĩ đàn anh tài hoa là Phạm Duy và Văn Cao. Nhạc sĩ Phạm Duy tham gia kháng chiến rất sớm, ngay từ những ngày tháng đầu tiên năm 1945. Ông đã tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, ông đã có mặt ở Liên Khu 4 Thanh Nghệ Tĩnh, và có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Ở khắp nơi ông đã trình diễn và sáng tác những bài ca nêu cao tinh thần kháng chiến chống Pháp. Đến khi ông sáng tác bài Bên Cầu Biên Giới thì Đảng không chấp nhận và ra lịnh cho ông phải khai tử bản nhạc. Quyền tự do sáng tác bị xâm phạm, một trong những lý do khiến nhạc sĩ Phạm Duy dinh tê và sau đó vào Nam (năm 1951). Thật may cho nhạc sĩ, nhưng may mắn cho Dân Tộc thì lớn lao vô cùng! Như cá gặp dòng nước trong bơi lội nhởn nhơ và hóa thành rồng, với thiên tài về nhạc, hồn nhạc trong ông bay lượn trong bầu không khí tự do của miền Nam, và với sức sáng tác phi thường, nhạc sĩ Phạm Duy đã cống hiến cho Dân Tộc cả Một Kho Tàng Âm Nhạc Vô Giá. Đến bây giờ là Mùa Bịt Miệng 2007, đọc lại chuyện xưa, mới thấy rằng nền Tự Do của VNCH ở Miền Nam vào thuở đó thật đáng quý!
Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả bài Tiến Quân Ca mà Đảng Cộng Sản dùng làm Quốc Ca. Ông không dinh tê như nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1952, ông được Đảng cho đi Liên Xô tham quan như một chuyến hành hương về Đất Tổ để chiêm ngưỡng XHCN của nước Cộng Sản Liên Xô đàn anh. Chuyến đi làm ông thất vọng. Trở về Hà Nội, ông ngẩn ngơ như người mất hồn! Chợt đến phong trào đấu tranh Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị khai trừ khỏi hội văn và hội vẽ. Ông chỉ còn ở trong hội nhạc nhờ là tác giả của bài Quốc Ca nhưng cũng chỉ làm vì.
Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh trong bài Văn Cao, Thơ Của Những Giấc Mơ, ta đọc được dòng chữ u buồn: “Suốt mấy chục năm, Văn Cao phải lặng lẽ sống âm thầm sáng tạo trong đớn đau, trong cảnh túng quẩn. Dường như ông không viết bài hát nữa mà chuyển vào những tiểu phẩm nhạc không lời “Hàng Dừa Xa”, “Sông Tuyến”, “Biển Đêm”, ông dằn lòng viết những câu thơ không in, vẽ minh họa để kiếm chút “tiền còm” bởi thúc bách của đời sống thường nhật”.
Kết Luận: thiên tài của nhạc sĩ Văn Cao bị mai một trong Chế Độ XHCN của Hồ Chí Minh!
Chợt đến thập niên 60, ngôi sao âm nhạc Trịnh Công Sơn rực sáng! Nhạc Trịnh Công Sơn sáng tác đáp đúng thị hiếu của thanh thiếu niên, nên bài nhạc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt, nhất là những bản phản đối chiến tranh thường được gọi là nhạc phản chiến. Nhạc sĩ được tự do sáng tác, không bị Chế Độ miền Nam bắt phải khai tử bản nhạc nào như trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy phải khai tử bài Bên Cầu Biên Giới khi sống với Đảng! Cũng vào thời điểm đó, vào khoảng tháng 9 năm 1963, trong dịp đi nghỉ mát ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh gặp Chu Ân Lai và Trần Nghị và phát biểu về quyết tâm chiến đấu ở miền Nam như sau:
“Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh.”
Trích câu phát biểu đầy sắt máu của Hồ Chí Minh, người viết xin tri ân tác giả Minh Võ đã nghiên cứu Hồ Chí Minh, Biên Niên Tiểu Sử để tô vẽ thật rõ nét bộ mặt hiếu chiến hiếu sát của Hồ Chí Minh cùng sự dàn dựng bộ máy chiến tranh để tàn phá phần Đất Nước ở phương Nam. Vào lúc đó, hai nước Đức Quốc và Hàn Quốc cũng bị phân chia làm hai như Việt Nam. Nhưng chính quyền cộng sản lãnh đạo Đông Đức và Bắc Hàn không chủ trương đánh phá Tây Đức và Nam Hàn như Bắc Việt của Hồ Chí Minh đã làm! Do đó Tây Đức và Nam Hàn được thanh bình để chăm lo phát triển vùng đất của mình, và chẳng bao lâu sau, Tây Đức thành cường quốc kinh tế bậc nhất ở Âu Châu và Nam Hàn thành một trong 9 nước tân tiến đứng đầu về kỷ nghệ cơ khí. Còn Hồ Chí Minh đã làm gì? Ông đã đưa cả triệu thanh niên miền Bắc, kể cả những người ”lính cái” (chữ của Dương Thu Hương), phải Sanh Bắc Tử Nam gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn sát hại và gây thương tật hàng triệu người cả hai bên chiến tuyến!
Lãnh tụ Hồ Chí Minh là thủ phạm dàn dựng thật tỷ mỷ trọn vẹn bộ máy chiến tranh đánh chiếm Miền Nam với ý chí sắt đá “dù cho cuộc chiến dài 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng đánh”. Dàn dựng con cờ bù nhìn Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chưa đủ, tên Đại Mưu Sĩ Hồ Chí Minh còn thiết lập thêm một chính đảng bù nhìn cho Mặt Trận là Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam cho trọn bộ sậu. Đúng ra Hồ Chí Minh chỉ chẻ Đảng Cộng Sản ra làm hai, những đảng viên ở miền Nam, ông cho hóa trang và cho mặc áo Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam, thế thôi. Bởi thế cho nên tất cả những hành động phản đối chiến tranh, tuyệt thực và xuống đường đòi hòa bình, viết bài phản chiến, đặt nhạc phản chiến mà không nhắm vào Thủ Phạm Hồ Chí Minh, không nghiêm khắc kết tội ông, thì có khác nào là đồng lõa với ông, giúp ông đoạt được chính nghĩa mà đáng lý ra ông không có!
Cùng một ý tương tự, tác giả Sắc Không, trong Nguyệt san Làng Văn trang 101, đã viết như sau: “Miền Nam, trước 1975, những loại thơ văn nhạc “phản chiến” chỉ phản chiến được với phía tự vệ, không phản chiến với phía gây chiến. Cộng quân vẫn tiến ào ào”.
Nhân đây xin nhắc lại lời tuyên bố của Trotsky trước Nghị Viện Amsterdam khoảng năm 1932 (Trích từ Lời Giới Thiệu của Vũ Huy Quang cho quyển Hồ Sơ Đệ Tứ Tập 3, của nhóm Đệ Tứ Việt Nam tại Pháp, xuất bản năm 2004, trang 15). Lời tuyên bố của Trotsky về phản chiến như sau: “Viết bài trên báo, đi biểu tình, tuyên dương hòa bình bằng l‎‎ý sự luân lý để chống chiến tranh… mà không biết guồng máy phát động… chỉ là những tiếng be be của bầy cừu trước con dao đồ tể”.
Những chiến sĩ của Quân Lực VNCH đem xương máu ngăn chận Làn Sóng Đỏ để bảo vệ tự do, dân chủ, và nhân quyền cho miền đất đẹp ở phương Nam tất nhiên không mấy hài lòng về tính chất phản chiến của nhạc Trịnh Công Sơn! Tuy nhiên, nhạc của ông hay vô cùng!
Cần viết thêm rằng sau khi Đảng chiếm đoạt miền Nam, Đảng ra lịnh cấm không cho hát bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn, cùng với vô số bài nhạc khác của các nhạc sĩ miền Nam! Một hành động thật hạ cấp vô văn hóa và ngu xuẩn chỉ để cho Dân Tộc thương tiếc ngẩn ngơ khoảng thời gian vàng son khi không có Đảng! Khi Đảng ra đời, thì Dân Tộc mất tất cả!
Vung Mã Tấu Chặt Ngón Tay Em Học Sinh Nhỏ Nhất
Vào một ngày trong niên học 1961-1962, trong địa hạt tỉnh An Xuyên, “Việt Cộng đã chận các em học sinh đang đi đến trường, chọn một em nhỏ nhất trong nhóm rồi vung mã tấu chặt đứt một ngón tay của em và hăm dọa nếu còn tiếp tục đến trường thì các em sẽ chịu hình phạt như thế!” (Trích bài Liên Hoa của tác giả Phan Thịnh, Nguyệt san Làng Văn số 203 tháng 7-2000, trang 26).
Nhóm Việt Cộng đó muốn gì? Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam muốn gì? Lúc đó Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ Phủ muốn gì? Tại sao lại lựa em bé nhỏ nhất để chặt ngón tay? Tại sao lại cấm học sinh đi học? Nếu thật tâm vì chính nghĩa cao đẹp Giải Phóng Miền Nam khỏi ách kềm kẹp của Mỹ Ngụy thì tại sao Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản lại xử dụng phương cách hèn hạ tàn nhẩn đối với trẻ thơ như vậy? Với những câu hỏi “Tại Sao?” dồn dập như trên, câu trả lời chỉ có thể là Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản đã chiếm đoạt được miền Bắc rồi, không lo xây dựng phát triển miền Bắc, mà chỉ lo tiếp tục gây chiến để cướp đoạt miền Nam cho kỳ được, không từ nan bất cứ hành động khủng bố đê hèn nào! Tác giả Phan Thịnh kể thêm rằng:
“Toàn tỉnh An Xuyên, số học sinh bị sút giảm 20.000 em, 150 trường học phải đóng cửa, khoảng hơn 60 giáo viên bị bắt cóc hoặc bị giết! Trong niên học đó, trên toàn lãnh thổ miền Nam đã có đến 630 trường học phải đóng của vì sách lược khủng bố này”.
Sách lược khủng bố giáo viên và học sinh kể trên gây những hậu quả thảm khốc như thế, đến nỗi Hiệp Hội Các Tổ Chức Sư Phạm Thế Giới (World Confederation of Organizations of the Teaching Profession) đã phải cử một phái đoàn đến miền Nam Việt Nam để điều tra. Bài viết của ký giả John B. Hubbell tường trình sự việc trên được đăng tải trên Reader’s Digest (số tháng 11-1968) và thành đề tài cho Phan Thịnh viết bài Liên Hoa nói trên.
Chặt Hai Bàn Tay Em Bé 7 Tuổi
Cũng từ bài viết đăng trên số Reader’s Digest đó của k‎‎ý giả John B. Hubbell, bài được Trung Tướng TQLC Lewis Walt giới thiệu, chúng ta đọc thêm được tội ác kinh hoàng của Việt Cộng như sau (Bài do anh Thuận một độc giả ở Queensland gởi Diễn Đàn Độc Giả của Tuần Báo Saigon Times ngày 28-10-2004):
“Viên xã trưởng cùng với bà vợ như người điên cuồng, vì một trong các đứa con của họ, một bé trai mới 7 tuổi, đã bị mất tích từ bốn ngày rồi. Họ tìm đến Trung Tướng Lewis W. Walt để cầu cứu vì tin rằng đứa bé đã bị VC bắt cóc.”
“Rồi đột nhiên, thằng bé thoát ra khỏi rừng, chạy băng qua các đồng lúa để trở về làng. Thằng bé vừa chạy vừa khóc. Mẹ nó vội chạy ra, ôm nó vào lòng, và đau xót kinh hoàng khi thấy cả hai bàn tay đứa nhỏ bị chặt đứt và trên cổ nó có đeo một cái bảng, ghi những dòng chữ cảnh cáo cho cha nó.”
Thì ra VC muốn phá bỏ kỳ bầu cử sắp sửa diễn ra của VNCH nên mới cảnh cáo ông xã trưởng, hay bất kỳ người nào trong làng,cả gan đi bỏ phiếu, ông sẽ chịu những điều tệ hại hơn nữa cho những đứa con còn lại của ông ta.
Ném Lựu Đạn Vào Đêm Lửa Trại Học Sinh Qui Nhơn
Vào một đêm năm 1972, tại Sân Vận Động Qui Nhơn, trong khi học sinh và hướng đạo sinh trường Trung Học Cường Để đang vui vầy với lửa trại thì tên Việt Cộng nằm vùng là Vũ Hoàng Hà quăng lựu đạn vào đám lửa trại để tàn sát những học sinh và nhà giáo trong tay không một tấc sắt! Cuộc thảm sát gây 14 học sinh bị mất mạng và một số bị thương. Cô giáo sư Pháp văn Đặng Thị Bạch Yến, có giọng ca thật điêu luyện như ca sĩ chuyên nghiệp, đến để vui lửa trại với các em trại sinh, bị chết ngay tức khắc. Cô chết đi tuổi chỉ vừa 30, để lại ba đứa con 4 tuổi, 2 tuổi và 1 tuổi mồ côi mẹ. Chồng cô là Giáo sư Anh văn Tạ Quang Khánh bị thương nặng. Khi xe cứu thương đến, ông chân bước lên xe, tay ôm mớ ruột bị lòi ra ngoài, và thân mang đầy vết lựu đạn!
Một nhân chứng cho biết thủ phạm Vũ Hoàng Hà leo qua nấp ở chùa Long Khánh và được cơ sở nằm vùng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đưa vào mật khu lẩn trốn. Sau khi chiến thắng miền Nam, Vũ Hoàng Hà được phong Chủ Tịch Ủy ban Nhân Dân tỉnh Bình Định kiêm Ủy viên Trung Ương Đảng. Mãi sau này, các báo Việt Cộng đổ vấy rằng vụ thảm sát đó là do nhóm Fulro của Đồng bào Thượng gây ra!
Ba đứa trẻ mồ côi mẹ năm 1972, thì chỉ 5 năm sau lại mang tang cha. Vết thương quá nặng, Giáo sư Tạ Quang Khánh không sống sót được 10 năm theo lời dự đoán của các Bác sĩ điều trị! Nhưng trời cao có mắt. Câu chuyện có hậu. Ba đứa trẻ mồ côi vì sự tàn ác của Việt Cộng năm nào thì bây giờ trở thành những công dân tốt phục vụ cho một xã hội đầy tình người đã giúp đỡ và cưu mang chúng. Tạ Quang Khôi và Tạ Quang Khiêm là kỹ sư điện (EE) và cô em út trong nhà là Tạ Thị Ngân Hà là bác sĩ nội khoa phục vụ tại bệnh viện Oklahoma. Câu chuyện do Giáo sư Nguyễn L‎ý Tưởng tường thuật, ông là bạn học tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế đồng khóa với vợ chồng Giáo sư Tạ Quang Khánh (Theo nguồn tin: Vietnam Library Net).
Pháo Kích Vào Trường Tiểu Học Cai Lậy
Ngày 9-3-1973, một ngày đầy máu và nước mắt đến với trường Tiểu Học Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Thủ phạm là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã dùng súng cối 82 ly bắn vào trường lúc học sinh đang sắp hàng vào lớp. Số thương vong theo Tướng Lâm Quang Thi trong quyển The Death of South Vietnam: An Autopsy (Xuất bản năm 1986) là 34 em chết và 70 bị thương, theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: 32 tử vong và 55 bị thương.
Cuộc thảm sát ở Cai lậy gây thương cảm khắp nơi. Khắp miền Nam, lễ tưởng niệm và lạc quyên được tổ chức để an ủi và giúp đỡ gia đình bị nạn. Nhạc sĩ Anh Bằng viết bài nhạc khóc các em học sinh Cai Lậy có những câu như sau:
Hỡi Bé thơ ơi, sao tội tình gì Em lại bỏ đi, Em lại bỏ đi!
Kìa thầy giảng bài tình thương trong lớp
Bạn bè cùng ngồi chăm chỉ lắng nghe
Sao Em vội bỏ mái trường ngày xưa thân mến, vội bỏ ra đi.
Tội Ác Bỏ Đói Dân Để Lùa Thanh Niên Vào Bộ Đội
Câu chuyện giữa 2 người tù, một già một trẻ, do Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện thuật lại trong quyển Hỏa Lò (trang 277). Người tù trẻ thuộc thế hệ thiếu nhi sống dưới chế độ hộ khẩu của Hồ Chí Minh. Quê anh ở Thái Bình, mang tiếng là vựa thóc, là “Quê hương năm tấn”, nhưng đói lắm. Bình quân, mỗi đầu người hàng tháng chỉ được 9 cân gạo, nên anh ta bị đói từ lúc còn bé. Đến 17 tuổi, anh phải khai man thành 18 để được vào bộ đội. Cuộc đối thoại như sau:
-- Thế mày trúng tuyển bộ đội ngay?
-- Vâng, được biết trúng tuyển, con mừng hơn mẹ con sống lại. Thế là hết cảnh đói mòn, đói mỏi. Mấy đứa gầy yếu quá bị loại, buồn như cha chết. Có đứa khóc.
-- Hồi đó, chúng mày có biết đi B, chết rất nhiều không?
-- Chúng con biết chứ. Trai làng bao đứa đã vong mạng. Hai thằng em họ con cũng đã chết ở Khe Sanh.
-- Chúng mày không sợ chết à?
-- Chẳng đứa nào sợ cả. Cái đói triền miên đáng sợ hơn nhiều. Bố bảo, đi bộ đội, chết chưa thấy đâu, đã thấy no trước mắt. Hai mốt cân gạo, một cân rưỡi thịt, một cân đường, mỗi tháng. Nghe trên thông báo tiêu chuẩn đó, chúng con thèm rỏ rớt, rỏ dãi. Cứ như là giấc mơ ấy. Chiến đấu dũng cảm được thăng chức lên sĩ quan. Tiêu chuẩn còn cao hơn nữa. Hơn đi thanh niên xung phong nhiều.
Thiên đường XHCN của Hồ Chí Minh rất cần được đối chiếu với đời sống công nhân trong các nước tư bản mà Cộng Sản luôn luôn mạt sát là bốc lột công nhân. Không cần đi đâu cho xa, bên nước láng giềng Campuchia, tác giả Nguyễn Văn Khậy trong quyển Kampuchia Trong Bối Cảnh Chiến Tranh Đông Dương đã diễn tả cảnh sống sung túc của công nhân đồn điền cao su Krek sau năm 1945, khi Đồng Minh thắng Nhật và người chủ Pháp bị Nhật giam trước đây được thả về để cai quản đồn điền. Tác giả Nguyễn Văn Khậy viết (trang 361 sđd):
“Từ đây cách đối xử với công nhân có chiều tiến bộ hơn so với những năm về trước. Đầu tiên, công nhân được giảm bớt 1/3 số cây cao su được cạo trong ngày, tăng lương, nhà thương có bác sỹ với thuốc men đầy đủ, chăm sóc kỹ lưỡng. Lương tiền phát đầy đủ hơn, nhất là đồn điền phụ trách bán các thứ vải, giày, xe đạp, vỏ xe đạp… thêm vào đó thực phẩm, thịt heo, thịt bò và vô số nhu yếu khác, bán chịu, bán thiếu cho công nhân được khấu trừ vào lương cuối tháng, giá rẻ hơn ngoài thị trường 30%. Đặc biệt cung cấp gạo hoàn toàn miễn phí cho công nhân kể cả gia đình theo tiêu chuẩn người lớn 800 gr, trẻ em dưới 12 tuổi là 600 gr.”
Đến đây, người viết có thắc mắc mới điện thoại hỏi tác giả Nguyễn Văn Khậy (hiện an cư lập nghiệp ở Sydney) nếu người công nhân có vợ và nhiều con thì sao, tác giả trả lời rằng: “Vợ và tất cả các con đều có tiêu chuẩn được phát gạo miễn phí, và thường thì công nhân dư gạo, mới đem số gạo dư ra ngoài đồn điền bán lại hoặc trao đổi lấy các món khác với người dân địa phương.”
Những Ngày Tháng Năm Đẹp Của Thế Kỷ
Lần giở lại những trang Hồi Ký của nhạc sĩ Phạm Duy, người đã vào Nam năm 1951, tức là 3 năm trước phong trào Di Cư, nhà soạn nhạc tài ba ấy khi di tản ra nước ngoài mới tỏ ý hối tiếc rằng đã không hề trước tác một bài nhạc nào để ca ngợi thành phố Sài Gòn, nơi ông sống những ngày phong phú nhất đời ông. Xin trích Hồi Ký Phạm Duy, Thời Phân Chia Quốc Cộng (trang 399):
“Hơn 20 năm sống ở Saigon mà tôi không có một tiếng hát nào cho thành phố nơi tôi sống những ngày phong phú nhất đời mình. Saigon không phải chỉ có con đường Duy Tân cây dài bóng mát để tôi đưa người tình đi học. Tuy cũng có Y Vân “Ghé Bến Saigon” để thấy Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi... Và có thêm Hoàng Anh Tuấn cùng với Phạm Đình Chương nhìn mưa Saigon để nhớ tới mưa Hà nội (bản “ Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội”)... nhưng nói chung, lũ nhạc sĩ chúng tôi rất vô ơn đối với Saigon.”
Thật vậy, thành phố Sài Gòn đáng được ca ngợi! Sài Gòn ngày xưa vừa đẹp lại hiền! Miền Nam trù phú và đầy tình người là mảnh đất lành đáng sống thật! Và nhạc sĩ Phạm Duy lại viết tiếp lời an ủi:
“Phải bỏ xứ ra đi, phải sống trong thành phố bị đổi tên, rồi mới hối hận để có khá nhiều nhạc sĩ lưu vong hay ở trong nước hối hả soạn ra sau ngày 30-4-75 những bài như “Saigon Ơi Vĩnh Biệt”, “Saigon Bây Giờ Buồn Không Em”, “Saigon Vĩnh Biệt Tình Ta”, “Saigon Niềm Nhớ Không Tên”, “Saigon Của Tôi”, “Saigon Ôi Thôi Đã Hết”… Con người là thế đó, có viên ngọc trong tay không biết giữ, mất rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ!”
Và những ngày tháng năm từ khi Cựu Hoàng Bảo Đại về nước chấp chánh năm 1949 với danh vị Quốc Trưởng, qua Đệ Nhất Cộng Hòa với Tổng thống Ngô Đình Diệm, và Đệ Nhị Cộng Hòa với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho đến ngày Quốc Hận 30-4-1975, trong khoảng thời gian đó, chúng ta đếm được Những Ngày Tháng Năm Đẹp Nhất Và Đáng Sống Nhất Của Thế Kỷ 20!
Chỉ riêng về môn túc cầu, những người ái mộ hẳn rất tự hào với thành tích của Đội Tuyển nhà trước 1975. Theo lời cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Ngôn tức Ngôn 1 trả lời biên tập viên SS của tuần báo Sức Sống tại Little Saigon (Số Xuân Tân Mùi 1991):
“Nền túc cầu Việt Nam lớn mạnh nhứt vào năm 1964. Tôi còn nhớ, trong giải túc cầu thế giới Đội Tuyển VN đã hạ đội Do Thái 2-0 tại Tel Aviv ở vòng loại. Và đến năm 1968 tại Thái Lan, tranh giải khu vực để đại diện Á Châu tham dự Thế Vân Hội, Đội Tuyển VN đã hạ các nước Thái Lan, Đại Hàn, Mã Lai, Nam Dương. Rất tiếc, cũng năm đó vì tình trạng chiến tranh (Tết Mậu Thân) đã làm hỏng cơ hội tham dự Giải Thế Vận tại Iran của đoàn tuyển thủ VN (sau đó đội Đại Hàn đứng thứ nhì bảng thay thế). Một thành tích khác cũng lừng lẫy là đoàn cầu VN đã mang về chiếc cúp vô địch Á Châu tranh tại Mã Lai: Đó là giải Merdeka 1966”.
Việt Nam 50 Năm Trước Và 50 Năm Sau
Không phải như những báo cáo láo của Việt Cộng theo như nhận xét “3 chữ D: Dại Dốt Dối” của Giáo sư Phạm Thiều, bản Thống Kê về tình trạng kinh tế của Việt Nam 50 năm trước và 50 năm sau do học giả Đỗ Thông Minh ở Nhật sưu tầm (từ Economic Bulletin / Singapore ngày 14-4-2007 trang 738) đã trưng dẫn rất chính xác sự huy hoàng về kinh tế của miền đất phương Nam vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa so sách với 35 năm sau dưới chế độ XHCN. Bản thống kê về Lợi Tức Đầu Người trong 50 năm qua như sau:
Năm 1956 Năm 2006
Nhật 215 đô 30.000 đô
Đài Loan 121 12.000
Mã Lai 246 4.520
Thái Lan 64 2.450
Indonesia 87 1.150
Nam Việt Nam 144 Việt Nam (cả nước) 550
Bản thống kê nói lên sự phát triển kinh tế quá chậm theo kiểu kinh tế thị trường với định hướng XHCN của Việt Nam. Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa của miền Nam hơn nhiều nước. Đến năm 2006, dưới sự điều hành của Đảng, CHXHCN Việt Nam đứng hạng chót và thua xa các nước. Than ôi! Thành tích của những Đỉnh Cao Trí Tuệ Loài Người!
Gần đây nhất, nhân ngày 30-4-2008, từ Paris, Bùi Tín viết bài Giải Phóng Ư? Độc Lập Ư? Bài viết ngắn, lời văn tâm tình thật cảm động, Bùi Tín đã thật sự bước vào cuộc Đại Đoàn Viên Của Dân Tộc và trong tình thương yêu bao la đó, ông thốt lên những lời kêu gọi chân tình:
“Tôi bỏ hết danh vọng hảo, chức tước phù du, huân chương mai mỉa, tự hổ thẹn từng cao ngạo vô duyên về chuyện vào Dinh Độc Lập sớm, xế trưa ngày 30-4, vớ vẩn lạc điệu cả, cá nhân lầm lạc, ngộ nhận hết.”
“Để làm gì cơ chứ? Để đất nước ra nông nổi này ư ? Độc lập, KHÔNG! Tự Do, KHÔNG! Chủ quyền, KHÔNG! Về mặt nào Việt Nam cũng đứng dưới 100 nước khác!”
“30 tháng 4 năm nay, tự thâm tâm, tôi chỉ có một lời kêu gọi với các bạn bè và đồng chí cũ của tôi, hãy qu‎ý trọng lòng yêu nước thương dân của chính mình. Bạn hãy tự phục hồi lòng yêu nước thương dân trọn vẹn của mình để cùng mọi người Việt Nam tỉnh táo và tử tế tranh đấu cho một Tổ Quốc Việt Nam thật sự độc lập, thật sự tự do, dựa vững vào Lịch Sử Dân Tộc và Thời Đại”.
Miền Nam Tiến Thật Xa Trên Lộ Trình Xây Dựng Dân Chủ
Vào cuối thập niên 60, với sự điều hợp của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông cùng một số Dân Biểu Hạ Viện, Miền Nam đã thiết lập được Dự Thảo Quy Chế Đối Lập. Đây là cái mốc thật quan trọng trên lộ trình xây dựng dân chủ Miền Nam đã đạt được. Một Điểm Son rực rỡ đáng được ghi vào lịch sử Dân Tộc, nhất là vào lúc đó Miền Bắc tung hết sức mạnh quân sự và tuyên truyền để đánh chiếm Miền Nam cho kỳ được, không từ nan bất cứ một hành động khủng bố và tuyên truyền xảo quyệt nào. Xin mở ngoặc để viết đôi dòng về Giáo Sư Nguyễn Văn Bông. Ông sinh năm 1929 tại làng Kiểng Phước thuộc miền duyên hải của tỉnh Gò Công ngày xưa. Ông nội làm nghề thợ bạc, cha làm thợ sửa xe đạp. Ông nhà nghèo nhưng may mắn nhận được học bổng để học trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Rồi ông sang Pháp du học bằng vé tàu hạng chót nằm dưới boong tàu. Đến Pháp, ông vừa làm vừa học, lần lược đậu Tú Tài, Cử Nhân, và đến năm 1960 ông đậu Tiến Sĩ Luật khoa. Ba năm sau, Nguyễn Văn Bông tạo thành tích trong Lịch Sử Sinh Viên Du Học vang danh là Người Việt Nam Đầu Tiên Đậu Bằng Thạc Sĩ Công Pháp Quốc Tế. Ông được mời về nước dạy tại Đại học Luật khoa. Đến 1964, ông được cử vào chức Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ông đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo một thế hệ cán bộ hành chánh tài ba cho Đất Nước. Chế độ Miền Nam, với Dự Thảo Quy Chế Đối Lập, đã tiến thật xa trên lộ trình xây dựng dân chủ.
Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người chiến sĩ tài ba xây dựng dân chủ cho Dân Tộc, đáng buồn thay, Đảng Cộng Sản lại xem là kẻ thù cần phải tiêu diệt! Chúng đã âm mưu sát hại Giáo sư 3 lần, đến lần thứ ba mới thành công! Ngày 10-11-1971, lúc 12 giờ trưa, Giáo sư bị Việt Cộng giết bằng chất nổ quăng vào dưới xe của ông khi ông đang trên đường từ Học Viện về nhà. Ngọn lửa thiêng Dân Tộc được thắp sáng từ thời Trưng Triệu xa xưa tạo thành Hồn Thiêng Sông Núi, từ nay với anh linh của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông hòa nhập vào, xin hãy soi đường dẫn lối cho du sinh Việt Nam học thành tài về nước xây dựng nền dân chủ tiến bộ và tránh xa chế độ Cộng Sản độc tài sở trường dùng khủng bố giết người bịt miệng để cai trị. Đến bây giờ là Mùa Bịt Miệng 2007, Đảng Cộng Sản vẫn còn lúng ta lúng túng với chế độ độc tài đảng trị không chấp nhận đối lập, làm chủ tất cả các báo và đài để giết tự do ngôn luận, thành lập Giáo Hội Quốc Doanh để giết tự do tín ngưỡng, thành lập Nghiệp Đoàn Quốc Doanh đứng về phía Tư Bản nước ngoài để bốc lột công nhân Việt Nam… Bức Màn Sắt, Bức Màn Tre, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh vang bóng một thời xa xưa thì nay đã bị dẹp bỏ và vất vào Sọt Rác Lịch Sử rồi. Nhưng Bắc Bộ Phủ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đi ngược chiều lịch sử, lại thiết lập Bức Tường Lửa để ngăn chận thông tin điện tử từ thế giới bên ngoài, và buông thả công an đi khắp nơi để đàn áp Dân Tộc vô cùng thô bạo! Cứ mãi bịt mắt, bịt tai, bịt miệng Dân Tộc mà cứ tự đề cao là “Cách Mạng”!
Tình Người Của Miền Đất Phương Nam
Người cán bộ văn hoá vận Vũ Hạnh của Đảng Cộng Sản đã có phúc duyên được sống để nằm vùng trọn vẹn ở miền Nam trong những ngày tháng năm đẹp đó. Xin nhắc lại đôi dòng về Vũ Hạnh. Nhà văn sinh năm 1926 tại Thăng Bình, Đà Nẵng, theo Cộng Sản từ năm 1945, sau hiệp định Genève, ông được phân công nằm vùng ở miền Nam. Ông là tác giả nhiều tác phẩm nghiên cứu như Đọc Lại Truyện Kiều, Tìm Hiểu Văn Nghệ, truyện dài Chất Ngọc, Cú Đấm, vân vân... nhưng nổi tiếng nhất là quyển Người Việt Cao Quý ẩn dưới bút danh A. Pazzi. Nhiều lần bị chế độ Sài Gòn bắt bỏ tù vì chống lại bằng tác phẩm và hành động. Tuy vậy, Vũ Hạnh cũng được nhiều người giúp đỡ và bảo lãnh như các linh mục Chân Tín và Thanh Lãng. Cả đến văn thi sĩ Hà Thượng Nhân, tức là trung tá Phạm Xuân Ninh, lúc phụ trách ngành tâm lý chiến về các lãnh vực Chính Huấn, Phát Thanh và Báo Chí cũng vì tấm lòng thơ mà tế độ nhiều lần cho Vũ Hạnh. Trong quyển Quê Hương Bạn Hữu Tù Đầy của Trần Dạ Từ, chúng ta được biết thêm về Vũ Hạnh như sau: “Vũ Hạnh thời trước, viết phê bình văn nghệ cho báo Bách Khoa theo lối hiện thực xã hội kiểu Cộng Sản, rồi nằm trong tờ Điện Tín của nhóm Lý Quý Chung, chuyên viết những chuyện kháng chiến đường rừng. Báo Sống của anh Chu Tử có hồi chỉ đích danh Vũ Hạnh là Cộng sản nằm vùng.”
Vũ Hạnh Tác Giả “Bài Mặt Đối Mặt Với Nhân Dân”
Đến năm 1990, sau 15 năm dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng Sản, nhà văn Vũ Hạnh có viết một bài rất đặc sắc nhan đề Mặt Đối Mặt Với Nhân Dân. Bài đó được dịch ra Pháp ngữ và đăng trên tờ Nouvelle de Moscow, một tờ báo khuynh hữu ở Mạc Tư Khoa. Một phần của bài đó là bản photocopy với chữ viết tay của Vũ Hạnh được đăng tải trong quyển Bút Ký Irina của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (Tập 1, trang 48). Xin mời quý bạn đọc:
“Một vài suy nghĩ về con người và xã hội Việt Nam hiện nay. Sau ngày giải phóng 15 năm, nhiều người Việt Nam đánh giá về Đảng lãnh đạo theo hai cách nhìn khác nhau: một là Đảng đã có công tập họp toàn dân chống những kẻ thù xâm lược vô cùng lớn mạnh để giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc. Tuy nhiên, về mặt lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng đã thất bại, làm cho đa số dân chúng nghèo đi, chịu nhiều bất công, phiền hà, đất nước thua kém các nước láng diềng từ xưa được xem là chậm tiến nhất vùng Đông Nam Á. Cách thứ hai có vẻ quyết liệt hơn nhiều khi khẳng định rằng không thể tách rời giai đoạn cứu nước với dựng nước, vì giai đoạn đầu là tiền đề cho giai đoạn sau . Sự hi sinh to lớn kéo dài suốt mấy mươi năm để chỉ đem lại nghèo đói, bất công thì hi sinh ấy có ý nghĩa gì? Bây giờ người ta bắt đầu hoài nghi chủ nghĩa xã hội, hoài nghi học thuyết Mác Lê...”
Bài viết phân tích rất sâu sắc và rành rẽ cuộc khủng hoảng không lối thoát ở Việt Nam và quyết liệt đòi hỏi chế độ phải thay đổi thực sự và toàn diện, trong đó có đoạn nói: “Vì sống bằng ngụy biện, người ta (tức là Đảng Cộng Sản) lại dùng ngụy biện để minh chứng rằng các biểu hiện xấu chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Nhưng hiện tượng lập lại mãi cũng là bản chất. Hoặc bảo: đó là những sự suy thoái nhất thời, nhưng cái nhất thời ấy được đo bằng suốt chiều dài chế độ. Một cách giải thích khá quen thuộc khác là do kẻ thù đế quốc phá hoại, nhưng sao lại để kẻ thù phá hoại? Và sao chúng lại phá hoại dễ dàng như vậy?”
Theo dõi phong trào nhân dân các nước Đông Âu nổi lên bằng những cuộc biểu tình ôn hòa, xử dụng quyền Dân Tộc Tự Quyết và thực hiện cuộc Cách Mạng Nhung không đổ máu để xây dựng nền dân chủ và loại trừ chế độ Cộng Sản, nhà văn Vũ Hạnh đã theo quan điểm duy tâm mà cho rằng: “Đó là điều cần phải xảy ra, đó cũng là lẽ nhân quả ở đời”.
Và sau cùng trong đoạn kết nhà văn viết: “Câu trả lời thực sự cho V.N. không phải ở nơi Liên Xô, Trung Quốc, hay nước Đông Âu nào khác mà là ở tại V.N. Và chỉ khi nào những người lãnh đạo V.N. thấy rõ về xã hội mình và có can đảm sửa đổi những tệ trạng gây nên cho những con người V.N. bằng những phương thức hoàn toàn phù hợp với người V.N., thì chỉ lúc ấy quần chúng mới khỏi phải dùng đến sự thô bạo để giành lấy quyền định đoạt cho số phận mình.”
Vũ Hạnh Chối Bỏ Bài Viết Của Mình
Câu chuyện về nhà văn Vũ Hạnh bắt đầu bằng chuyến viếng thăm thành phố Saigon của Irina Zisman, một phụ nữ Nga có chồng là người Việt Nam. Bà học tiếng Việt ở Mạc Tư Khoa, nói tiếng Việt thật lưu loát và viết văn Việt thật điêu luyện như bất cứ một nhà văn Việt Nam tài ba nào. Trong tác phẩm Bút Ký Irina, bà kể lại rằng trong chuyến viếng thăm Sài Gòn vào cuối tháng 5 năm 1991 (xin chú ý: tác giả Irina viết là Sài Gòn chớ không viết Thành phố Hồ Chí Minh!), bà được mời đến Hội Nhà Văn và đã gặp Vũ Hạnh ở đấy. Bỏ ngoài chuyện được đãi trái măng cụt và bàn luận về truyện Kiều với Vũ Hạnh, khi ra về, bà có mời Vũ Hạnh lại chỗ bà ở để nói chuyện cho được tự nhiên, nhưng ông gạt đi: “Nếu như vậy, cấp trên sẽ hiểu nhầm.”
Trong một ghi chú của Irina, thì sự hiểu lầm bắt đầu từ một bài viết ký tên Vũ Hạnh đăng trên tờ báo Tin tức Mátxcơva (xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ở thủ đô Liên Xô). Điều đáng tiếc là chính Vũ Hạnh đã hiểu nhầm về cái tên Vũ Hạnh như thế! Về biến cố nầy, Irina viết tiếp: “Tôi nghĩ về các văn sĩ của thời đại chúng ta. Chúng ta, những người chỉ biết đọc lại các tác phẩm của những người xưa. Tôi nghĩ về tấn bi kịch của nhà văn luôn luôn giấu kín suy nghĩ của mình, về các nhà báo viết bài không phải để đăng báo. Về tấn bi kịch của các văn nghệ sĩ đã được cởi trói nhưng vẫn có cấp trên. Và về những cấp trên chuyên môn hiểu nhầm.”
Đó là lời bình rất phớt nhẹ của Irina về việc Vũ Hạnh chối bỏ bài viết của mình, lời phê bình phớt nhẹ đến nổi tưởng chừng như nó không chạm đến ai cả. Nhưng với Nguyễn Ngọc Bích thì không. Trong lời đề Bạt cho quyển Bút Ký Irina (Tập 1 trang 1600), ông tung ra lời phê rất sâu sát như sau. Xin mời quý bạn đọc kỹ:
“Một bài viết như vậy, nếu Vũ Hạnh có can đảm nhận lãnh trách nhiệm của mình -- như Chân Tín đã làm, như Nguyễn Ngọc Lan cũng có can đảm xác nhận -- thì ông đã chuộc được phần nào những phản phúc mà ông đã dành cho bạn bè ông khi Cộng Sản vào thành. Đằng này, ngờ đâu sau khi chị Irina đã cất công dịch sang tiếng Nga cho đăng báo Nga thì Vũ Hạnh ở nhà vội phủ nhận mình là tác giả bài báo. Để cho Hà Nội có thể ngụ ý là chị Irina đã bịa đặt ra bài báo, chứ làm gì có một bài báo như vậy. (Thành thử trong Bút Ký, chị đã phải cho in phóng ảnh cả tuồng chữ của Vũ Hạnh để anh khỏi chối được mãi). Thì ra, anh không hơn gì nhân vật mô tả trong Ly Thân của Trần Mạnh Hảo, chỉ giỏi nghề đón gió -- và khi thấy gió ngược chiều thì vội vã tháo bỏ hết cả nhân phẩm của mình để lộ nguyên hình là một thằng hèn.”
Chúng ta hẳn biết chỉ có một Vũ Hạnh mà thôi, nào đâu có Vũ Hạnh thứ hai là nhân vật do chị Irina tưởng tượng ra! Trong photocopy bức thơ của Vũ Hạnh gởi cho chị Irina còn có ghi cả địa chỉ của Vũ Hạnh ở Saigon kia mà, này nhé: 647 Điện Biên Phủ. Q3.Thành phố Hồ Chí Minh. Trước sau chỉ có một Vũ Hạnh đó mà thôi! Đó là Vũ Hạnh, đảng viên Việt Cộng nằm vùng ở Saigon trước ngày 30-4-1975. Đến khi Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, đến ngày 3 tháng 4 năm 1976, công an Việt Cộng mở chiến dịch hốt gọn các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ tự do ở Việt Nam cho vào tù và nghe đâu danh sách các văn nghệ sĩ ấy là do Vũ Hạnh thiết lập. Trong hồi ký của Tạ Tỵ, quyển Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, thì danh sách ấy do Vũ Hạnh cùng thiết lập với Sơn Nam.
Bàn về ngày bi thảm 3 tháng 4 năm 1976, ngày mà sau nầy chính thức trở thành Ngày Văn Nghệ Sĩ Việt Nam, nhà văn kiêm nhà báo Trần Dạ Từ viết: “Trong những trang đen tối nhất của lịch sử văn hoá nhân loại, kể cả thời vua Tần đốt sách chôn học trò ở phương Đông, Nê Rô đốt thành La Mã ở phương Tây, Mao Trạch Đông làm cách mạng văn hoá ở Hoa Lục, sự bách hại nhắm riêng vào giới cầm bút và nghệ sỹ, chưa bao giờ đạt tới mức qui mô như biến cố ngày 3 tháng Tư 1976 ở Việt Nam, cả về tính cách lẫn thời gian.”
Xin trở lại thời gian Vũ Hạnh nằm vùng dưới chính thể Việt Nam Cộng Hoà, khi được lảnh tiền nhuận bút 120 ngàn đồng (giá trị bằng 8 cây vàng) cho một quyển sách, với tiền thù lao xứng đáng như vậy, Vũ Hạnh như là người đang được ăn chiếc bánh thật mà trong lòng cứ chết mê chết mệt đeo đuổi theo chiếc bánh vẻ do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản rêu rao từ năm 1945.
Chuyện Văn Nô Phục Vụ Lâm Tặc: Một Chỉ Vàng
Việt Nam Cộng Hoà đang trên đà phát triển theo cùng một nhịp với Đài Loan và Đại Hàn, thì bị bức tử vào ngày 30-4-1975. Ôi thôi rồi! Những Ngày Tháng Năm Đẹp của Thế Kỷ 20! Công lao tranh đấu ôn hòa của Cựu Hoàng Bảo Đại (sau là Quốc Trưởng) để tranh đoạt độc lập từ trong tay Pháp! Đến Đệ Nhất Cộng Hoà với Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ Nhị Cộng Hoà với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Quân Dân Cán Chính miền Nam đã can trường chống trả bộ đội Việt Cộng ở ngoài chiến trường mà còn phải lo đón đỡ những đòn đánh lén của nhóm Việt cộng nằm vùng như Vũ Hạnh ở hậu phương! Rồi còn phải hứng chịu biết bao nhiêu điều thóa mạ trên mặt trận tuyên truyền vu khống của Việt Cộng, bị mang tiếng nào là Việt gian bán nước, bồi Tây, tay sai Mỹ Ngụy, Thiệu Kỳ ác ôn…
Những Ngày Tháng Năm đẹp của thế kỷ 20 đã sang trang nhưng đã đi vào Lịch Sử như một Điểm Son sáng chiếu để rồi bị thay thế bằng những trang sử đen tối nhất từ đấy cho đến đầu thiên niên kỷ thứ ba và kéo dài cho đến bao giờ! Trên những trang sử vô cùng đen tối ấy, thử xem ta có thể đọc được đôi ba dòng về cuộc sống của giới văn nghệ sĩ hay không? Đây, những dòng chữ ảm đạm tác giả Bùi Ngọc Tấn cố gắng và can đảm viết thật rõ nét cho chúng ta được đọc. Trong quyển Viết Về Bạn Bè, tác giả Bùi Ngọc Tấn thố lộ rằng vì chưa viết được về mình thì hãy viết về những bạn văn và những nhếch nhác trần ai của họ. Có ba người bạn văn của tác giả, Đình Kính và Chu Lai là hai nhà văn quân đội và Nguyễn Quang Thân là tác giả nhiều thiên tiểu thuyết một thời làm say mê độc giả ở quốc nội. Trong cảnh nhếch nhác trần ai ấy, ba nhà văn, vì muốn có tiền, chỉ còn cách dùng văn tài của mình để đi viết thuê, tức là làm văn nô, chứ không phải viết cho mình! Bùi Ngọc Tấn viết:
“Để có tiền, nói cách khác, để sống còn, thôi thì đành gác lại những trang sách vẫn nghiền ngẫm nung nấu, những tác phẩm sẽ được viết ra bằng tim gan mình. Hãy để lại sau. Để đến bao giờ chưa biết, nhưng trước mắt là kiếm sống. Đình Kính, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân đã phải ép mình chấp nhận viết thuê cho viên giám đốc một lâm trường quốc doanh. Dĩ nhiên, họ không thể viết theo ý mình. Họ phải vận dụng ngôn từ, chữ nghĩa, kể cả những mánh lới mang tính lưu manh, để thỏa mãn ý muốn của người thuê viết, là biến Rừng Xưa Lá Úa trở thành Rừng Xưa Xanh Lá.”
“Rừng xưa lá úa. Nhưng những con người đến cùng rừng hôm nay đã thay lá cho rừng. Không phải đất trời, sự vận động của thời tiết, của bốn mùa đã làm nên điều ấy. Mà chính là con người. Con đường mới mở trong rừng đâu phải chỉ làm bằng máy móc. Trước hết, nó được làm bằng trí tuệ, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của những người làm việc âm thầm không cần ai biết đến... Rừng thay lá. Rừng sống lại. Rừng lại hát khúc ca hùng tráng của rừng.”
“Những cây bút viết thuê nầy biết rằng họ phải bịa, cho dù phải cúi mặt vì xấu hổ với lương tâm. Nhưng biết làm gì khác hơn khi vợ con, bố mẹ và cả chính mình còn có một thứ nợ đời phải trả. Đó là nợ áo cơm. Bằng mọi giá họ phải đáp ứng đòi hỏi của người thuê là hoàn tất cuốn sách có tên Rừng Xưa Xanh Lá trong thời hạn hai tháng được nuôi ăn, và sau khi hoàn tất được trả công mỗi người đúng một chỉ vàng như đã quy định trong hợp đồng từ lúc khởi đầu.”
Dưới ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn thì ba bạn văn của ông phải bẻ cong ngòi bút, không phải để làm bồi bút cho đảng Cộng Sản, mà còn tệ hơn nữa, là làm văn nô để viết thuê cho viên giám đốc lâm trường quốc doanh vốn là phường lâm tặc. Món tiền còm nhuận bút một chỉ vàng trả công cho mỗi một người bạn văn ấy chính là tiền tên thủ trưởng lâm tặc đã phá hoại tài nguyên của đất nước mà tư túi riêng cho mình.
Xin trở lại chuyện nhà văn Vũ Hạnh. Không cần phải chờ đến thiên niên kỷ thứ ba, để ông đọc tác phẩm Viết Về Bạn Bè của Bùi Ngọc Tấn, ông mới biết các nhà văn sống dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa nghèo khổ như thế nào. Theo bài Mặt Đối Mặt Với Nhân Dân của ông viết vào năm 1990, chỉ sau ngày giải phóng 15 năm, ông đã mở mắt để thấy rõ sự thất bại của Xã Hội Chủ Nghĩa và vì ông là văn sĩ với tâm hồn dễ dàng rung cảm, nên hẳn ông cũng rất thương xót cho số phận hẩm hiu của ba nhà văn xấu số kia phải sống đọa đầy trong kiếp văn nô. Tôi thiết nghĩ chắc có nhiều độc giả cũng muốn biết số phận của Vũ Hạnh như thế nào dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, có giống như số phận hẩm hiu khốn khổ của ba bạn văn của Bùi Ngọc Tấn hay không!? Thì có khác gì với những văn nghệ sĩ và trí thức Hà Nội đã bỏ thủ đô theo Hồ Chí Minh lên Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: kháng chiến thắng lợi, trở về thủ đô Hà Nội để thấy Dân Tộc bị mất tự do dân chủ và nô lệ cho Liên Sô và Trung Quốc. Họ lại đứng lên tranh đấu bằng ngòi bút của mình trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng họ lại bị đàn áp khủng bố, tù đày, đói rách, khốn khổ đến mức: sự thật đã có những nhà văn viết đêm, không có một tách cà phê để uống! Đã có những thi sĩ không làm thế nào mua được dăm điếu thuốc lá trong cơn nghiện! Và đã có một kịch sĩ bán chiếc đồng hồ đeo tay của mình để bồi dưỡng viết cho xong cuốn sách, nhưng in ra không đủ tiền để chuộc chiếc đồng hồ! Còn Hữu Loan, trong căn nhà nhỏ trong đêm tối, chỉ mơ ước có một ngọn đèn dầu để thức mà viết!
Bây giờ, tôi xin trở lại đề tài Có một Vũ Hạnh hay có hai Vũ Hạnh? Chắc có nhiều bạn đọc cho rằng Vũ Hạnh thứ nhất đã viết bài phê bình đảng năm 1990 là Vũ Hạnh can đảm. Còn Vũ Hạnh thứ hai là Vũ Hạnh hèn nhát, không có cái đảm lược như Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, nên đã chối rằng không có viết bài của mình. Đó là Vũ Hạnh hèn như nhân vật trong truyện Ly Thân của Trần Mạnh Hảo mà Nguyễn Ngọc Bích đã phê bình. Nhưng không phải vậy. Người viết xin phép không muốn dùng chữ “hèn” để phê bình Vũ Hạnh và cũng xin ông Nguyễn Ngọc Bích thứ lỗi vì đã không phê bình nhất trí với ông.
Ở Miền Bắc, Ai Cũng Mang Họ “SỢ”
“Tránh voi không xấu mặt nào” cổ nhân ta dạy thế. Trong một chế độ coi rẻ sinh mạng con người và không từ nan bất cứ thủ đoạn nào để tiêu diệt người đối lập, ai ai cũng phải áp dụng triết lý sống như Nguyễn Tuân: “Tao mà còn sống và viết được đến ngày hôm nay là nhờ tao BIẾT SỢ chúng mày ạ!”, cụ vừa nâng ly rượu vừa nói mà nước mắt chảy ròng ròng! Còn nhạc sĩ Văn Cao, trước khi lìa đời hai tuần lễ, mới dám nói với một phóng viên ngoại quốc:“Bây giờ tôi đã 73 tuổi, tôi không còn biết sợ gì nữa. Chẳng ai giết tôi được nữa.”
Nhà thơ Chế Lan Viên đã ăn Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh suốt đời. Nhưng đến cuối cuộc đời, bị ăn quá nhiều Bánh Vẽ nên phát ách, ông mới tuôn những dòng thơ phản ứng như sau:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn,
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui!
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Ngay đến người hùng Điện Biên Phủ là đại tướng Võ Nguyên Giáp còn phải ép mình nhẫn nhục thay. Xin nhắc lại chuyện khủng bố do cánh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chủ xướng: chỉ trong một đêm, họ sai công an bắt sạch sẽ mấy chục tướng tá trực thuộc bộ Tổng Tham Mưu thân cận của tướng Giáp đem về tra khảo tàn nhẫn bắt nhận tội nói xấu tổng bí thư, mặc dầu những ông sĩ quan nầy có đến ngót nghét 40 tuổi đảng. Vậy mà tướng Giáp không một lời phản đối để binh vực thuộc hạ của mình. Về vụ việc này, tác giả Bùi Tín có hỏi tướng Giáp sao không can thiệp để đòi công bằng cho những người làm dưới quyền ông bị bắt giam oan ức thiệt thòi hàng mấy chục năm (Trích quyển Hoa Xuyên Tuyết trang 143). Ông trả lời đại ý: có chứ, nhưng không thể làm gì nổi trong cái cơ chế kỳ lạ này, khi ngành tổ chức, ngành an ninh là chúa tể, lộng hành. Nếu không cẩn thận thì tất cả còn bị trù nặng nề và kéo dài hơn nữa, và bản thân ông cũng bị tai họa như chơi!
Một đoạn văn của Lạc Nam trong bài Diễn Tiến Hòa Bình (Bán Tuần Báo Việt Luận, ngày 5-4-2005): “Trong Bộ Chính Trị, người duy nhất biết đọc biết viết là Võ Nguyên Giáp bị kết tội “chống đảng”. Ông là người có uy tín trong quân đội và nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ. Chính Lê Đức Thọ và Lê Duẩn hỏi cung trực tiếp và buộc Võ Nguyên Giáp nhận tội “chống đảng”… Rồi sau đó, mỗi lần có tiếng chuông bấm ngoài cổng, thì cả gia đình Võ Nguyên Giáp đứng tim vì tưởng người ta lại đến bắt chở đi…”
Đốn ngả hết tay chân bộ hạ của tướng Giáp chưa đủ, phe cánh Lê Duẩn còn hạ nhục ông, bắt ông phải phụ trách việc hạn chế sinh đẻ thuộc công tác kế hoạch hoá gia đình. Vụ việc nầy làm cho ngoài dân gian có câu vè truyền tụng:
“Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay đại tướng cầm quần chị em.”
Và một câu vè khác:
“Ngày xưa đả viện công đồn
Ngày nay đại tướng bịt l...chị em”
Vì thế có người viết bài rằng “Đại tướng đã thắng Pháp, nhưng thua Đảng”.
Có Một Vũ Hạnh Hay Có Hai Vũ Hạnh
Vì tình trạng đất nước mình như thế cho nên tôi không dùng chữ “hèn” với nhà văn Vũ Hạnh, nhất là thời điểm sau khi chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu và Liên Sô sụp đổ, công an Cộng Sản càng ra sức đàn áp khủng bố tàn bạo độc ác hơn bao giờ hết.
Nhưng thưa quý bạn đọc, để trả lời câu hỏi Có mấy Vũ Hạnh, xin trả lời ngay là có hai Vũ Hạnh:
1-Vũ Hạnh thứ nhất là Vũ Hạnh nằm vùng được thưởng thức chiếc bánh thật để phá hoại Việt Nam Cộng Hòa (“nằm vùng” mà lại được ăn bánh thật!)
2-Vũ Hạnh thứ hai là Vũ Hạnh Quan Chức Đỏ được ăn cái bánh vẽ to tướng do Bác Hồ và Đảng Cộng Sản ưu ái đút cho trong chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại chuyện Con Chó Và Miếng Thịt trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà ngày xưa, trước năm 1945, học sinh nào cũng có đọc. Nội dung chuyện nầy bàn về việc thả mồi bắt bóng y như câu chuyện bánh thật và bánh vẻ của Vũ Hạnh, cho nên tôi cũng xin sao chép lại để đọc chơi cho vui. Câu chuyện trong sách Giáo Khoa Thư ngày xưa nguyên văn như sau:
“ Một hôm, một con chó vào hàng cơm ngoạm trộm miếng thịt. Người nhà hàng trông thấy, vác gậy đuổi theo. Con chó đâm đầu chạy. Khi chạy đã xa, đến một cái cầu, con chó dừng lại để ăn. Nhìn xuống sông, thấy có một miếnng thịt to hơn miếng thịt đang ngậm trong miệng. Nó liền nhả ngay miếng thịt ấy ra, nhảy xuống sông định lấy miếng thịt ở dưới nước. Nhưng nào có lấy được! Chẳng qua chỉ là bóng miếng thịt nước chiếu lại mà thôi. Còn miếng thịt, dòng nước cuồn cuộn kéo đi, con chó hết sức đuổi theo cũng không sao lấy lại được nữa.
Ôi! con chó lấy trộm thịt là có tội, con chó nhả bỏ miếng thịt là khờ dại. Thả mồi bắt bóng, bóng bắt chẳng được, mồi kia không còn, chẳng là đáng tiếc lắm sao! Người ta ở đời chẳng nên đứng núi này, trông núi nọ, đã được voi, lại còn đòi tiên. Cái gì đã nắm chắc trong tay, ta chớ nên buông ra mà chực những cái hão huyền đâu đâu.”
Người dân ở nông thôn Việt Nam sống gần thiên nhiên cũng có nhận xét tương tự:
Con cá trong lờ dật dờ đôi mắt,
Con cá ở ngoài lúc lắc chun vô.
Bạn đọc thân mến ơi! Đó chỉ là chuyện chó và cá, mà sao lại giống y như chuyện Vũ Hạnh và chuyện Dân Tộc Việt Nam mình vô cùng!
Nhận Xét Của Bùi Tín Về Miền Nam
Sau ngày 30-4-1975, Bùi Tín sống ở Sài Gòn trong 4 năm liền. Cùng với nhiều người từ miền Bắc vào Nam sinh sống, Bùi Tín đã “khám phá” miền Nam, đúng như nó vốn có, chứ không như trước đó được Đảng tuyên truyền. Trong quyển Mây Mù Thế Kỷ, xuất bản ở Paris mùa Thu 1998, tác giả Bùi Tín viết (trang 28): “Chúng tôi dần dần thấy rằng, chế độ chính trị ở miền Nam có những cái dở, cái kém, nhưng dù sao nó cũng có điểm trội hơn miền Bắc, như có tự do kinh doanh, đặc biệt là có tự do báo chí, ngôn luận, có báo tư nhân, có tự do xuống đường, biểu tình, tuần hành, tán phát truyền đơn, có tự do tín ngưỡng… là những điều ở miền Bắc chưa từng có.”
Đó là những quyền căn bản người dân miền Nam đã được hưởng, và nhạc sĩ Phạm Duy còn được thêm “quyền tự do sáng tác” vì chính ở miền đất đẹp phương Nam đó, người Nhạc Sĩ họ Phạm tài ba của thế kỷ, cũng như tất cả các văn nghệ sĩ khác nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tất cả đã “sống những ngày phong phú nhất đời mình” . Nhưng sau ngày 30-4-1975, Đảng đã lấy lại hết, không còn tự do nào cả, và phát cho Cái Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh!
Tâm Sự Ngậm Ngùi Của Cụ Vũ Đình Huỳnh
Trong quyển hồi ký Hỏa Lò, tác giả Nguyễn Chí Thiện có nói về một người làng Vân Đình, cùng quê với cụ nghè Dương Khuê, vào đảng năm 25 tuổi, là bộ đội đã tham dự chiến dịch Biên Giới và Điện Biên. Anh đã “giác ngộ” tương đối sớm, nhưng cũng quá muộn để làm lại cuộc đời. Sau Cải Cách Ruộng Đất, sau vụ Nhân Văn, anh biết mình đã lầm. Khi đất nước thống nhất, anh có dịp đi công tác vào Nam ngay và có nhận xét (trang 218 sđd):
“Qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy tận mắt nông dân dùng cả gạo để nuôi lợn. Quá no đủ. Đầy tình người. Đặt chân tới thành phố Sài Gòn, tôi giật mình. Phồn thịnh quá! Hạnh phúc quá! Trẻ con thời ngoan ngoản, lễ phép. Hoá ra tuyên truyền toàn bố láo. Cả một cuộc sống như vậy mà không biết giữ lấy. Thực đáng tiếc, đáng trách”.
Trở ra Hà Nội, anh có dịp gặp lại cụ Vũ Đình Huỳnh. Cụ là người quen cũ vì trong thời kháng chiến, anh đã có gặp cụ vài lần. Đây là lời anh thuật trong lần tái ngộ nầy (trang 219 sđd):
“Một cụ già đạo mạo, trang trọng. Nét cương nghị, trung thực, hiện rõ trên vẻ mặt ưu tư, buồn buồn. Cụ ngậm ngùi nói với tôi: “Anh bạn ạ, Sài Gòn là thành phố bị chiếm đóng. Không phải là thành phố được giải phóng. Chỉ vài năm thôi, nó sẽ giống Hà Nội. Tôi cả đời đi làm cách mạng, hy sinh tất cả, chỉ mang trong lòng một nguyện ước: đất nước được độc lập, dân tộc được tự do, no ấm. Tôi đã không làm được điều đó. Thực đắc tội với đồng bào.”
Sài Gòn Năm 1979 Dưới Mắt Vũ Thư Hiên
Sau đây là vài câu chuyện phụ họa để tô thêm vài nét thê thảm cho Cái Bánh Vẽ Hồ Chí Minh. Trước hết là chuyện Sài Gòn Năm 1979 Dưới Mắt Vũ Thư Hiên. Bị giam cầm 9 năm không xét xử, được thả vào năm 1976, và đến tháng 12 năm 1979 thì tác giả Đêm Giữa Ban Ngày Vũ Thư Hiên vào được Sài Gòn. Vũ Thư Hiên thuật về chuyến đi và nhận xét về thành phố Sài Gòn như sau (trang 288 sđd):
“Đó là chuyến đi nhớ đời, rất vất vả từ việc xin cấp Thông hành thay cho Chứng minh nhân dân mà tôi chưa có, tới việc mua vé máy bay. Vào tới tận Chợ Bến Thành rồi tôi mới tin là mình không bị cản lại. Cuộc sống ở Sài Gòn khác xa cuộc sống ở miền Bắc, mặc dầu Sài Gòn 1979 đã không còn giống thời nó là “hòn ngọc minh châu trong Á Đông”. Chế độ tem phiếu đã được áp dụng.”
“Bữa cơm của dân chúng đã phải độn bo bo, chẳng khác gì ở Hà Nội. Nhưng Sài Gòn vẫn sầm uất, vẫn nhộn nhịp, vẫn cố gắng để có cuộc sống riêng, chứ không sống theo chỉ thị. Thành thử nếu gọi cảnh Sài Gòn 1979 là tiêu điều thì không biết gọi cảnh Hà Nội bằng gì cho đúng.”
Theo như câu vè mới phát sinh vào lúc đó “Người Nam nhận họ, Người Bắc nhận hàng”, tình bà con họ hàng thân thương kẻ Nam người Bắc đùm bộc lẫn nhau được nhà văn Vũ Thư Hiên phác họa bằng nét chấm phá: “Người Hà Nội tiếp tục vào Sài Gòn kìn kìn khuân ra tivi, tủ lạnh và trăm thứ bà dằn khác.” Nhưng chữ bà dằn anh Vũ Thư Hiên dùng, thì ở trong Nam chúng tôi quen miệng nói hằm bà lằng, và có người còn nói hằm bà lằng xắng cấu cho có vẻ giống đồng bào Người Việt Gốc Hoa.
Sài Gòn Năm 1977 Dưới Mắt Lương Thành Nĩ
Lương Thành Nĩ là người tỉnh Tây Ninh theo đạo Cao Đài, tác giả quyển Thực Trạng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam xuất bản ở California, tháng 1-1995. Quyển sách dài 400 trang, được bố cục thành 82 “chương chuyện”, mỗi chương là một câu chuyện ngắn, gọn, đầy đủ ấn chứng, rất dễ đọc. Lương Thành Nĩ viết với tâm niệm cao cả rằng (Trích Lời Tựa, trang 3 sđd) “Mọi người chúng ta hãy làm một điều gì dù là nho nhỏ, hầu góp phần đừng để cho những kẻ gian trá, vốn đã lừa đảo được gần như mọi người trên khắp Thế Giới trong chiến tranh, không còn se tròn, bóp méo được nữa đối với sự thật và lịch sử…”
Ở chương IIL nhan đề Be Bờ Cộng Sản, thời điểm sau 1954, Lương Thành Nĩ nhắc lại câu nói của Hồ Chí Minh (trang 88 sđd): “Ngày nào miền Nam chưa được giải phóng, đồng bào miền Nam còn đói khổ, tôi ăn không ngon ngủ không yên”.
Ngon! Hồ Chí Minh ngon! Đúng là lời nói của kẻ tiểu nhân vô lại tự mình tôn vinh là “Cha Già Dân Tộc” rồi được cả “bầy đàn” văn nô tung hô! Hồ Chí Minh quá gian xảo đã láo khoác bóp méo lịch sử! Vào lúc đó miền Nam nào có đói khổ đâu, chính miền Bắc đang đói khổ mà “Bác” lại không lo. “Bác” chỉ cho dân “Ăn Bánh Vẽ” và lo đem quân vào đánh chiếm miền Nam cho kỳ được! Hãy xem màn kế tiếp của Vở Bi Hài Kịch Giải Phóng Miền Nam.
Rồi miền Nam được “giải phóng” ngày 30-4-1975. Lương Thành Nĩ viết tiếp: “Đến 1977 khi có lập loè cởi mở, phương tiện đi đứng đỡ eo hẹp, người từ Bắc ùa vào Nam làm kẻ hành khất ăn xin với mức độ không tưởng tượng nổi. Hầu như vào bất cứ một quán ăn hay giải khát nào dù nhỏ hay lớn ở tại Thành phố hay Thị xã, Thị trấn nào cũng có người đến than thở cầu mong giúp đỡ. Nhưng thực khách không phải xót dạ nếu những kẻ ăn xin kia là người có tuổi, già cả, có lẽ bởi quá xa xôi nên các cụ không còn sức khỏe để đi từ Bắc vào Nam làm hành khất. Mà thực khách chỉ phải xót dạ vì những chị phụ nữ còn trẻ trung, khoẻ mạnh tay bồng con và những anh thanh niên trai tráng, có những người trông thật là khôi ngô, tuấn tú nhưng quần áo thì dơ bẩn nhăn nheo, cử chỉ thẹn thùng, cặp mắt trắng bệt mở lờ đờ, nhìn thấy họ chẳng còn một chút tự tin nào!”
Về cái xã hội mà Hồ Chí Minh và Lê Duẩn xây dựng ở miền Bắc từ 1954 đến 1975, tác giả Lương Thành Nĩ, người dân Tây Ninh đã can đảm đứng lên nói thay Dân Tộc, và đặt câu hỏi về tương lai của Đất Nước: “Nhìn hình ảnh thanh niên của một xã hội chẳng còn niềm tin thì chắc ai cũng biết mức độ sung mãn của cái xã hội ấy như thế nào rồi phải không, thưa quí vị?!”
“Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình” Không Còn Nữa
“Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình” là một Ca khúc được sáng tác trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc Nam Bộ Kháng Chiến. Nhạc sáng tác do anh Nguyễn Văn Thông, một nhạc sĩ vĩ cầm, biệt hiệu Lữ Sinh. Vào lúc đó, anh phụ trách dạy nhạc cho Trại Huấn Luyện Cán Bộ Thanh niên và Thiếu nhi tại địa điểm Cồn Lớn sát bờ biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Một buổi trưa trong trại, nhạc sĩ Lữ Sinh đưa bản nhạc anh vừa viết xong cho Xuân Tước và bảo: “Tao viết nhạc, mầy làm lời đi!”. Xuân Tước viết trong quyển Hồi K‎‎ý 60 Năm Cầm Bút (Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, trang 31):
“Thế là tôi ngồi xuống. Anh nâng cây vĩ cầm lên, kéo cho tôi nghe một lần. Thấy hay, tôi bảo anh đàn lại, rồi chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã hoàn tất ca khúc “Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình”.
Xuân Vũ viết tiếp: “Lữ Sinh khoái quá. Ngay hôm sau, anh đem bài hát ra tập cho trại sinh.”
Lời ca của bản nhạc như sau:
Làm sao khắp chúng dân đều tự do,
Làm sao khắp muôn dân đầy cơm áo?
Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình?
…………………………………………….
Vùng lên quyết tranh phần sống,
Tự do, hạnh phúc kia rồi.
Hòa bình, no ấm chào đón ta!”
Thế vì sao “Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình” không còn nữa? Đến 45 năm sau, câu chuyện mới được tiếp nối do bức thư của Xuân Vũ gởi cho Xuân Tước. Nhắc lại chuyện xưa lúc ở Trại Huấn Luyện Cồn Lớn, Xuân Tước là người điều khiển trại còn Xuân Vũ là một trại sinh thiếu nhi 16 tuổi. Năm 1992, lúc hai người đều sống đời tỵ nạn trên đất Mỹ, Xuân Vũ chép nguyên cả bài “Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình” gởi cho thầy mình là Xuân Tước với lời chua thêm như sau:
“Đây là bài hát phổ biến nhất Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đã được Hà Nội dùng liên tục hơn 10 năm, đặc biệt làm nhạc hiệu cho buổi phát thanh vào Nam, nhưng không hề nhắc đến tên tác giả. Tồi bại hơn nữa, khi chúng cướp được miền Nam thì không dám phát thanh vì sợ cái mà chúng đòi Sài Gòn phải có thì bây giờ chính người Sài Gòn lại đòi chúng phải có cho họ, tức là Tự Do, Cơm Áo, Hòa Bình.”
Câu Chuyện “Sao Chú Không Chờ?”
Trong một buổi trà dư tữu hậu ở Sydney, một anh bạn giáo chức đồng nghiệp thuật cho tôi chuyện Sao Chú Không Chờ? mà đã 30 năm qua rồi tôi vẫn còn nhớ. Anh là người miền Bắc di cư, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, và được dạy tại một trường trung học ở Sài Gòn. Anh đang an cư lạc nghiệp thì xảy ra cơn Quốc Nạn 30-4-1975. Cả miền Nam hốt hoảng tìm cách vượt biên. Anh bạn người Bắc di cư của tôi may mắn có một mối tổ chức vượt biên đáng tin cậy. Đồng thời, anh gặp lại một người anh họ là một cán bộ cao cấp từ Hà Nội chuyển vào. Biết anh sẽ cùng gia đình vượt biên, người anh họ mới khuyên: “Sao chú không chờ một thời gian để xem chúng tôi làm việc ra sao đã. Nếu sau này mà thấy chúng tôi không làm được việc thì chú hãy đi.” Lẽ tất nhiên người bạn di cư của tôi vẫn tâm niệm câu nói trứ danh của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Việt Cộng nói mà hãy nhìn kỹ những gì Việt Cộng làm”, cho nên anh không nghe lời khuyên của người anh họ.
Anh bạn nhà giáo vượt biên thành công. Sau một thời gian ổn định nơi đất khách quê người, thì bốn đứa con của anh đều tốt nghiệp đại học: ba đứa là bác sĩ y khoa và một là nha sĩ. Nhắc lại lời khuyên của người anh họ, anh bạn của tôi cười hóm hỉnh: “Anh ấy bảo mình hãy chờ xem, nếu thấy các ổng không làm được việc, thì đến chừng đó mình hãy đi! Anh nghĩ coi, có lạ không! Nếu các ổng không làm được việc, thì các ổng phải đi chứ! Tại sao tôi phải đi! Té ra các ổng nghĩ rằng các ổng sẽ cầm quyền mãi mãi. Thôi thì mình đi cho được việc!”
Xin Đừng Chôn Tôi Gần Việt Cộng!
Người bạn giáo chức của tôi dẫn cả gia đình đi vượt biên, theo cách nói thời thượng, họ không chấp nhận chế độ nên đã Bỏ Phiếu Bằng Chân. Và có một dạo, ai ai ở Việt Nam cũng nói “nếu cột đèn đi được, thì chúng cũng đi rồi”. Sau ngày Quốc Nạn 30 tháng 4 năm 1975, Dân Tộc đã nếm mùi Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh, nên mới tiếc nhớ Những Ngày Tháng Năm Đẹp Của Thế Kỷ, quãng thời gian kể từ lúc Cựu Hoàng Bảo Đại về nước chấp chánh, qua Đệ Nhất Cộng Hòa với tổng thống Ngô Đình Diệm, đến Đệ Nhị Cộng Hòa với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu! Thời vàng son đã qua như giấc mộng đẹp! Đến thời đen tối sống dưới ách Cộng Sản khiến cho ai ai cũng muốn Bỏ Phiếu Bằng Chân. Riêng về Điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người đã đóng góp cho ngành tình báo Việt Cộng, qua đời năm 2002, ông không Bỏ Phiếu Bằng Chân, ông để lại lời trối: “Xin đừng chôn tôi gần Việt Cộng!”
Trong tác phẩm Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm của Vĩnh Phúc, xuất bản năm 1998, tác giả có thuật chuyện điệp viên Việt cộng Phạm Xuân Ẩn đã ra tay cứu giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến, cựu giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị tại Phủ Tổng Thống. Ông Ẩn biết được địa điểm rước tỵ nạn bằng trực thăng cuối cùng vào đêm 29-4-1975, mới hối hả lấy xe Renault 4 ngựa của mình chở bác sĩ Tuyến đến nơi vừa kịp lúc.
Trong lần tái bản năm 2006, tác giả Vĩnh Phúc viết thêm (trang 516 sđd): “Sau này, ông Ẩn sống trong tâm trạng u uất và chán nản. Hẳn ông rất hối hận đã chọn lầm đường, đã đem hết khả năng thời trẻ phục vụ cho một l‎ý tưởng mà ông đặt lầm chỗ.”
Chuyện 3D Của Giáo sư Phạm Thiều
Giáo sư Phạm Thiều là một vị giáo sư khả kính, người gốc Hà Tĩnh, dạy chữ nho và toán tại trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Ông tham gia kháng chiến với chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn, rút ra khu từ tháng 9-1945, tập kết ra Bắc, rồi trở về Nam sau 30-4-1975. Đến năm 1986, ông treo cổ tự tử. Ông để lại cho đời Lời Phê Bình 3D (ba chữ D) về chế độ do Hồ Chí Minh xây dựng như sau:
“DỐT mà lãnh đạo nên làm dại. DẠI mà muốn thành tích nên báo cáo DỐI.
DẠI, DỐT, DỐI đó là ba điều làm cho các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.”
Trong tác phẩm Những Ngày Qua, bác sĩ Trần Ngươn Phiêu ghi lại Lời Phê Bình 3D trứ danh nói trên và cho biết cảm tưởng về cái chết đau thương của Giáo sư Phạm Thiều như sau (trang 182 sđd):
“Không hiểu có phải vì ông đã chán ngán cái cảnh thoái hóa, tham nhũng của cán bộ Cộng Sản sau 1975 hay vì ông nhận thức được cái sai trái của đường lối chủ nghĩa Cộng Sản của Stalin khiến làm sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung Âu, nên ông đã ân hận và treo cổ tự tử.”
Cái chết của Giáo sư Phạm Thiều đầy bí ẩn. Nhưng nếu cảm tưởng của Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu về sự tự tử của Giáo sư Phạm Thiều là đúng thì chúng ta có thể kết luận rằng: Giáo sư Phạm Thiều ân hận vì thấy Dân Tộc bị ăn cái Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh, Giáo sư không Bỏ Phiếu Bằng Chân, Giáo sư đành bỏ phiếu bằng mạng sống của mình!
Lời Phát Biểu Của Nguyễn Hữu Thọ
Giáo sư Phạm Thiều bỏ phiếu “không ăn cái Bánh Vẽ Của HCM” bằng chính mạng sống của mình năm 1986, thì 2 năm sau đó, trong kỳ đại hội của Mặt Trận Tổ Quốc họp ở Sài Gòn ngày 25-9-1988, nổi lên nhiều tiếng nói phản đối Đảng như “Chính sách kinh tế xã hội của Đảng và nhà nước không phù hợp với thực tiển tình hình đất nước, thậm chí có khi đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của quần chúng”, “Đảng thay dân làm chủ”, và “Không lấy dân làm trọng mà lấy Đảng làm trọng”,.v.v…
Cũng tại đại hội trên, Nguyễn Hữu Thọ, lúc đó đang là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, đã vô cùng thất vọng trước tình trạnh dân chủ hình thức, dân chủ bánh vẽ của chế độ mà ông đã nhiều năm góp công xây dựng. Ông phát biểu:
“Nhân dân ai cũng thích cái bánh thật chứ chẳng ai thích cái bánh vẽ… Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự… Người dân chưa thật sự chọn lựa được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ”.
Sự Phản Tỉnh Của Jean Paul Sartre
Jean Paul Sartre, triết gia hàng đầu của Pháp, là người đã từng ủng hộ phong trào Cộng Sản Thế Giới rất nhiệt thành. Trong lúc phong trào Cộng Sản lên đến cực thịnh tưởng chừng như sắp chinh phục cả thế giới đến nơi, ông cho rằng những người Chống Cộng là chướng ngại vật ngăn cản bước tiến hóa của nhân loại nên mới gọi họ là “Loài Chó Má” (tiếng Pháp “Chien”). Nhưng rồi nhân loại bàng hoàng khi khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ tan tành như lâu đài xây trên cát, để lại những trang sử vô cùng đen tối trong Lịch Sử loài người. Đến lúc đó, nhà triết gia Cộng Sản Jean Paul Sartre xoay đúng 180 độ, lần nầy ông lại dùng “Loài Chó Má” để gọi những kẻ Thân Cộng (tiếng Pháp “procommunists”)!
Bây giờ Jean Paul Sartre gọi những người Thân Cộng là “Loài Chó Má”, chỉ “Thân” thôi mà đã là “Chó Má” rồi, chúng ta không biết ông phải dùng từ gì để gọi những người Cộng Sản chính hiệu, nhất là những tên Việt Cộng. Bây giờ, chúng ta có cần phải viết thêm hay không? Xin hãy để cho Dân Tộc trả lời! Riêng người viết chỉ xin gọi họ là những “Kẻ Sáng Đảng Mà Mù Tình Dân Tộc, tức là những Kẻ Hết Lòng Trung Với Đảng mà Vô Cùng Bất Hiếu Với Dân”.
Con Đường “Bác” Đi: Từ Kominternchik… Đến Autocolonialist
Xin trở lại đề tài Vũ Hạnh và Cái Bánh Vẽ. Điều bất hạnh cho Dân Tộc Việt Nam là Cái Bánh Vẽ của Hồ Chí Minh lại quá đẹp, đẹp hơn cái bánh thật ngàn triệu lần, và không phải chỉ có một mình Vũ Hạnh muốn ăn bánh vẽ của Bác mà thôi mà có cả triệu triệu người Việt Nam cũng muốn ăn theo. Ôi! Cái Bánh Vẽ của Bác! Nhưng điều đại bất hạnh là trong khi Dân Tộc đang thưởng thức chiếc bánh thật thì Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản gây ra cuộc chiến tranh đánh Dân Tộc dài 30 năm, gây năm, sáu triệu người chết và cả chục triệu người bị thương tật ở hai bên chiến tuyến chỉ để cướp lấy cái bánh thật rồi phát cho Dân Tộc Cái Bánh Vẽ Của Bác. Cái bánh thật chỉ để dành cho Đảng. Ôi! Cái Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh, Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa Của Thế Giới Đại Đồng!
Đến bây giờ thì cái Bánh Vẽ Của Hồ Chí Minh đã nát ruỗng cả rồi và đã trở thành huyền thoại đau thương! Không còn ai muốn ăn cái bánh ấy nữa. Dân Tộc cũng không còn Bỏ Phiếu Bằng Chân nữa. Nhưng vì Đảng đã dồn Dân Tộc vào chân tường cho nên Dân Tộc phải đương đầu với Đảng thôi, không còn phương cách nào khác. Trong Mùa Bịt Miệng 2007, việc Dân Tộc đương đầu với Đảng cũng giống như chuyện Lấy Trứng Chọi Đá, chuyện Châu Chấu Đá Xe, chuyện Đội Đá Vá Trời. Nhưng Dân Tộc bị bịt miệng thì mắt lại sáng suốt vô cùng để thấy rất rõ rằng Con Đường “Bác” Đi chỉ là Con Đường Bi Đát, bởi lẽ “Bác” đã đi theo Cuộc Cách Mạng Đã Bị Phản Bội. Trên Con Đường Bi Đát đó, Hồ Chí Minh đã khởi hành ở điểm Quốc Tế Ủy Kominternchik để cuối cùng dìu dắt Băng Đảng thành những tên Thực Dân Lô Canh hay Thực Dân Bản Địa Autocolonialists, như Jean Lacouture đã gọi.
Xin mở dấu ngoặc, Jean Lacouture là sử gia Pháp đã một thời hết lòng ủng hộ và ca ngợi Hồ Chí Minh, nhưng sau cùng ông cũng đành hạ bút viết rằng Kẻ Chiến Thắng đã xây dựng được Chế Độ Autocolonialisme, một từ mới do ông chế tác. Theo văn phong của ông, ta có thể hiểu đó là Chế Độ Thực Dân không phải do người Pháp cai trị như ngày xưa mà là Chế Độ Thực Dân Tự Quản hay “Lô Canh”. Có một vài nhà bình luận đã dùng chữ “Nội Xâm” để diễn tả ‎ý tương tự như vậy. Theo một cách diễn tả rõ ràng hơn, ta có thể nói trong Cuộc Chiến Tranh Của Hồ Chí Minh Đánh Dân Tộc, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chiến thắng Dân Tộc và đã xâm chiếm Đất Nước làm Thuộc Địa của riêng mình, biến Dân Tộc thành Nô Lệ cho Đảng, và Đảng đã trở thành Thực Dân Lô Canh y hệt như Thực Dân Pháp ngày xưa!
Sử gia Pháp Jean Lacouture không còn ca ngợi Hồ Chí Minh như xưa nữa, cho nên khi ông chế tác danh từ mới Autocolonialisme, tức là Chế Độ Thực Dân Lô Canh, hẳn ông ngụ ý Chế Độ Thực Dân Lô Canh mà Hồ Chí Minh thiết lập cũng không khác gì Chế Độ Thực Dân Pháp thời Pháp Thuộc ngày xưa. Nhưng Dân Tộc Việt Nam thì biết không phải vậy. Chế độ Thực Dân Lô Canh, tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh, tức Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa của Lê Duẩn, khi so sánh với Chế Độ Pháp Thuộc ngày xưa thì ĐỘC ÁC, THAM TÀN, BẦN TIỆN, GIAN XẢO, MA GIÁO, QUỶ QUYỆT, KHÁT MÁU hơn gấp nghìn gấp triệu lần.
Đảng Phải Trả Tự Do Nhân Quyền Cho Người Sống, Trả Linh Quyền Cho Người Chết, Và Trả Đất Nước Cho Dân Tộc
Bởi lẽ đó, việc Dân Tộc đương đầu với Đảng trong Mùa Bịt Miệng 2007 tưởng rằng khó mà lại hóa thành dễ vô cùng. Dễ là vì trong hàng ngủ của Đảng Cộng Sản bây giờ, không còn những vị yêu nước thương dân như Cựu Tướng Trần Độ của thuở nào, mà chỉ còn toàn là những Quan Chức Đỏ Cộng Sản rất Sáng Đảng Mà Mù Tình Dân Tộc. Họ cũng tham ô, tàn bạo, khát máu như những Thái Thú Tàu Tô Định, Thoát Hoan, Trương Phụ, Tôn Sĩ Nghị, hay như những tên Pháp xâm lược Henri Rivière, Rigault De Genouilly. Dân Tộc chỉ cần trở về với truyền thống chống ngoại xâm thời Bắc thuộc dài một ngàn năm, hoặc lịch sử một trăm năm chống Giặc Pháp xâm lược là được việc. Truyền Thống Chống Giặc Ngoại Xâm, Sở Trường Của Dân Tộc.
Nhưng thực sự không dễ dàng, công cuộc Dân Tộc đương đầu với Đảng Cộng Sản để dành lấy “Nhân Quyền Cho Người Sống Và Linh Quyền Cho Người Chết” như lời của Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Công cuộc Dân Tộc đứng lên để dành Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc và đòi lại Đất Nước cho mình thực sự không dễ dàng bởi lẽ Đảng đã quá ma giáo, quỷ quyệt, và khát máu sau hơn nửa thế kỷ kinh nghiệm độc tài đảng trị. Bây giờ Đảng đã có trong tay vô số công an, quá dư thừa để cho công an mặc thường phục giả làm dân phụ lực với công an mặc sắc phục. Đảng lại quá dư tiền để mướn bọn du đảng đầu trộm đuôi cướp tức là xã hội đen giả làm đầu gấu uy hiếp bằng võ lực những vị tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, nếu cần thì giết người diệt khẩu, vì thế nên có thêm từ mới là xã hội đỏ. Đảng lại có ngón nghề Bắt Nguội, như vụ Thái Bình Khởi Nghĩa, Đảng chờ đợi cho sự việc tranh đấu lắng dịu và ra lịnh cho công an vào nhà ban đêm bắt những người lãnh đạo đem đi thủ tiêu. Đảng lại “theo thói phụ nữ đánh ghen” dùng ác-xít tạt vào nhà như vụ khủng bố người con gái ông Hoàng Minh Chính, Đảng xử dụng những cách giết người bịt miệng bằng những tai nạn giao thông theo chiêu thức “ném đá dấu tay”, hoặc bằng cách dùng độc dược trộn vào thức ăn cho các tù nhân. Đảng lại có sáng kiến chưa từng thấy trong bất cứ quốc gia dân chủ nào là muốn xoá án tích nên không dùng chứng từ án lịnh mà chỉ dùng khẩu lịnh cho công an trong việc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ dân quyền.
Khi Cựu tướng Trần Độ bị khai trừ ra khỏi đảng và viết Nhật Ký Rồng Rắn, khi cựu Đại tá Bùi Tín và cựu Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Cần trở thành những chiến sĩ kiệt xuất tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cho Dân Tộc, khi nhà văn Vũ Thư Hiên để hết tâm trí hoàn thành quyển Đêm Giữa Ban Ngày để trao cho các thế hệ tương lai, khi nữ sĩ Dương Thu Hương khóc cho thành phố Sài Gòn vừa bị mất tên và viết bài “Là Để Ỉa Vào Mặt Kẻ Cầm Quyền” thì cái Đảng Cộng Sản do Hồ Chí Minh thành lập không còn là cái gì cả. Xin lập lại: Cái Đảng Cộng Sản Do Hồ Chí Minh Thành Lập Không Còn Là Cái Gì Cả!
Chủng Loại Homo Sovieticus Trên Đất Việt
Đảng Cộng Sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập và xây dựng, trong hơn gần một thế kỷ nay, đã thụt lùi xuống tới mức tàn ác gian xảo đê tiện hèn hạ tận cùng của Loài Người, loài Homo Sovieticus, một Giống Người Mới xuất hiện từ tháng 10 năm 1917 ở Nga. Xin ghi chú: từ “Homo Sovieticus” rất phổ biến vào thập niên 1980. Nguyên thủy, từ đó dùng để chỉ một chủng loại mới của loài người đột sinh dưới chế độ cai trị khắc nghiệt của Stalin. Chủng loại đó, tức là người dân Nga nghèo khổ, phải mánh mung, lương lẹo, gian trá mới sống còn trong môi trường chính trị của Stalin. Tác giả Aleksandr Zinoviev đã viết quyển Gomo Soveticus được dịch ra tiếng Anh năm 1985. Ở đây, người viết xin được dùng từ Homo Sovieticus trái ngược với ‎ý nguyên thủy để chỉ những cán bộ, những công an, những cốt cán CCRĐ năm nào, tất cả là những Cây Người Hồ Chí Minh đã trồng trên đất Việt, sau khi đã đào tận gốc trốc tận rễ Trí Phú Địa Hào, thì biến thành những Quan Chức Đỏ, cai trị Đất Nước bằng Luật Rừng Xanh.
Loài Homo Sovieticus phát sinh từ đất Nga rồi lại bị diệt chủng ngay trên đất nước Nga. Nhưng than ôi! Chủng loại Homo Sovieticus ác độc đó do Hồ Chí Minh (hay Hồ Xít Mao) mang về vẫn còn tồn tại trên đất Việt thân yêu của chúng ta! Đó là những kẻ Sáng Đảng Mà Mù Tình Dân Tộc! Đó là những kẻ Hết Lòng Trung Với Đảng mà VÔ CÙNG BẤT HIẾU VỚI DÂN!


Viết tại Sydney, Úc Đại Lợi
Mùa Bịt Miệng 2007
Nhóm Tâm Việt Sydney

No comments: